Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 61.000 website thương mại điện tử (hoạt động ổn định), bao gồm cả website có tính năng bán hàng trực tuyến và website chưa có tính năng bán hàng trực tuyến.
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, thị trường thương mại điện tử của thành phố đang được mở rộng. Cùng với đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới của thế giới, đã và đang đầu tư cho website TMĐT một cách chuyên nghiệp, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng.
Năm 2017, doanh thu thương mại điện tử của TPHCM ước đạt hơn 53.870 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% và có quy mô chiếm 40% thị trường TMĐT cả nước.
Qua kiểm tra, phân loại, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 61.000 website thương mại điện tử (hoạt động ổn định) theo quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, bao gồm cả website có tính năng bán hàng trực tuyến và website chưa có tính năng bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương, tính đến ngày 17/11/2017, chỉ có 8.910 website thương mại điện tử trên địa bàn TPHCM đăng ký với Bộ Công thương.
Trong đó, 8.519 website thương mại điện tử bán hàng và 391 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Số lượng website đã thông báo, đăng ký của TPHCM hiện chiếm trên 50% tổng số website đã thông báo, đăng ký trong cả nước.
Cũng theo Sở Công Thương TPHCM, đại diện các website thương mại điện tử hàng đầu hiện nay (Tiki, Thegioididong, Sendo, Lazada, Adayroi, Hotdeal,…) đều cho biết thương mại điện tử hiện còn rất nhiều tiềm năng phát triển vì giao dịch thương mại điện tử nói chung, giao dịch trên thiết bị di động nói riêng (mobile commerce) ngày càng phổ biến; việc thanh toán trực tuyến cũng đơn giản, tiện dụng hơn.
Theo VietTimes