Nhiều ứng dụng giả mạo chỉ đơn giản là hiển thị ra những quảng cáo phiền nhiễu nhưng một số ứng dụng có thể gây nguy hiểm bởi chúng chứa các phần mềm độc hại (malware) đánh cắp thông tin của người dùng. Đó là còn chưa kể tới việc hacker có thể lợi dụng thông tin lấy được từ thẻ tín dụng của bạn để trục lợi.
Dưới đây là một vài cách giúp bạn dễ dàng hơn trong việc nhận biết và tránh xa các ứng dụng mua sắm giả mạo trên iOS và Android:
+ Kiểm tra xem ai là người phát hành ứng dụng. Hãy xem xét kĩ tên nhà phát hành vì các hacker thường sử dụng những cái tên gần như tương tự với nhà phát hành chính thức của ứng dụng.
+ Kiểm tra các đánh giá ở bên dưới ứng dụng trước khi tải. Ứng dụng thật sẽ có hàng ngàn đánh giá bên dưới, trong khi một ứng dụng giả mạo sẽ gần như không có một đánh giá nào.
+ Nhìn vào ngày xuất bản của ứng dụng. Ứng dụng giả mạo sẽ chỉ có một ngày xuất bản nào đó gần đây, thường chỉ là một vài tuần trước. Trong khi đó, ứng dụng thật sẽ có ghi ngày cập nhật.
+ Kiểm tra lỗi chính tả cũng như ngữ pháp trong tiêu đề và phần mô tả của ứng dụng. Trong các ứng dụng thật, các lỗi như vậy rất khó xảy ra nhưng điều này lại thường xuất hiện trên các ứng dụng giả mạo. Đặc biệt là với các ứng dụng mua sắm giả mạo bằng tiếng Anh được làm bởi các hacker người Trung Quốc hiện xuất hiện rất nhiều trên kho ứng dụng của iOS và Android.
+ Thận trọng với các ứng dụng hứa hẹn giảm giá mua sắm sản phẩm khi sử dụng. Nghe rất hấp dẫn nhưng có thể đó chỉ là một trò lừa đảo.
+ Nếu vẫn còn nghi ngờ, bạn có thể vào trang web của công ty mua sắm bằng trình duyệt trên smartphone. Sau đó, tìm và bấm vào biểu tượng “Tải ứng dụng” trên trang web. Bạn sẽ được tự động chuyển tới nơi tải ứng dụng mua sắm thật của công ty trên Apple Store hoặc Play Store.