Thống kê từ hai “ông lớn” Google và Temasek cũng cho thấy: 5 năm nữa, quy mô giao dịch trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 9 tỷ USD…
Theo các chuyên gia, một chiến lược kinh doanh hợp lý sẽ không thể thiếu chiến lược tiếp thị và phát triển thương hiệu. Việc phát triển thương hiệu và tiếp thị sản phẩm ngày nay cũng hoàn toàn đổi khác so với những thời kỳ trước khi số người dùng điện thoại di động chiếm 95%. Trong số đó, 79% sẽ truy cập các website để tìm kiếm thông tin sản phẩm trước khi mua hàng trực tiếp hoặc gián tiếp…
Nếu các cá nhân-doanh nhân không quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng, không quan tâm ứng dụng công nghệ số – internet kết nối thì bài toán tiếp thị coi như bất thành, rất khó phát triển thị trường.
Có thể lấy ví dụ trong ngành du lịch: nếu như trước kia, chủ yếu qua lời kể, qua sách-báo, người dân sẽ lựa chọn điểm đến cho cá nhân-gia đình. Ưu điểm của hành trình này là đã có yếu tố “tiền trạm” – người đi trước được trải nghiệm thực tế và rút kinh nghiệm cho những người đến sau. Nhưng bất lợi là bởi sở thích không giống nhau – có thể người này chưa thấy tương xứng, người khác lại thấy phù hợp, nên sự lựa chọn dựa trên đánh giá của người khác thường không chính xác.
Tiếp thị trực tuyến, công cụ đắc lực gia tăng giá trị sản xuất. (Ảnh: KT)
Nhận thức thực tiễn này, ngành du lịch đã và đang phát triển các ứng dụng công nghệ vào hoạt động tiếp thị -nhằm kích cầu du lịch, tăng trưởng kinh tế du lịch. Và tiếp thị du lịch trực tuyến – cho phép người dùng trải nghiệm du lịch lữ hành qua các ứng dụng công nghệ là xu hướng.
“Du lịch trực tuyến của chúng ta đã tiệm cận với khu vực. Ứng dụng đặt phòng đã lên đến 80%. Những người sử dụng internet luôn có 30% truy cập các trang web du lịch. Sự chuyển hóa của hoạt động đặt tour đã thay đổi rất là nhiều. Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số là cơ hội tăng trưởng du lịch. Nền tảng kỹ thuật số điểm đến giúp cung cấp nhanh và nhiều thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm” – ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng khẳng định thực tiễn này khi việc đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch hay các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến đã và đang thể hiện là một trong những phương thức hữu hiệu góp phần tăng trưởng kinh tế du lịch.
“Xu hướng du lịch hiện nay đã bước sang 1 giai đoạn hoàn toàn mới: khách du lịch kết nối. Họ chủ động từ khâu tìm điểm đến, tìm tour, tìm khách sạn, giao lưu kết nối với nhau. Họ chủ động post tin, bình luận đánh giá về tất cả các tour du lịch lữ hành…nhanh hơn bản thân các công ty du lịch và lại được tin cậy hơn. Một giai đoạn mới của kinh doanh du lịch đã khởi đầu” – ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết.
Tiếp thị du lịch trực tuyến chỉ là ví dụ điển hình cho thấy kinh doanh trên môi trường trực tuyến đang ngày càng thịnh hành. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 chỉ rõ: tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đạt hơn 30% và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ trong những năm tới, với quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD.
Thống kê từ hai “ông lớn” Google và Temasek cũng cho thấy: 5 năm nữa, quy mô giao dịch trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 9 tỷ USD… Nhận biết xu hướng-cũng là yêu cầu từ thực tiễn, với quan điểm “cá nhân-doanh nhân-doanh nghiệp nào tận dụng được ưu điểm vượt trội này sẽ gia tăng giá trị sản xuất-kinh doanh cho đơn vị mình”.
“Thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng đang rất là lớn. Tất cả các ban, ngành, Chính phủ đều đang cố gắng điện tử hóa hết thì bản thân thương mại cũng phải nhanh chóng điện tử hóa. Và đối với thương mại điện tử thì có đặc điểm là trải nghiệm sẽ giúp cho người ta gia tăng niềm tin và từ đó niềm tin mua hàng quay trở lại. Bởi trước nay chúng ta không mua-bán online nhiều vì thiếu niềm tin, chúng ta thường phải sờ tận tay, thử dùng mới tin” – ông Hà Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ Vinalink nói.
Bài toán đặt ra cho các doanh nhân-doanh nghiệp thời điểm này là nhanh nhạy tới đâu, mạnh dạn tới mức nào trong ứng dụng công nghệ số – tăng cường tiếp thị-quảng cáo sản phẩm nói chung, đặc biệt là tăng cường khả năng trải nghiệm sản phẩm cho khách hàng? Và các yếu tố cần có để giải bài toán bao gồm cả nhận thức và nguồn lực: cần thay đổi tư duy và hành động –ứng dụng công nghệ trong tiếp thị sản phẩm và cùng với tiềm lực tài chính, chắc chắn, cần nguồn nhân lực công nghệ số./.
Theo vov.vn