Tại sao Barcelona không đưa ra mức phí giải phóng hợp đồng cao hơn? Nếu làm thế, họ không mất Neymar vào tay Paris Saint Germain để rồi bị ảnh hưởng lớn từ hiệu ứng thương vụ này mang lại.
Hãy nhìn vào mức phí giải phóng hợp đồng giữa Barcelona và Real Madrid do tờ Sport của Tây Ban Nha tiết lộ. Ngôi sao sáng nhất bên phía Barcelona, Lionel Messi có mức phí giải phóng hợp đồng là 300 triệu euro trong khi ở phía đối diện, con số này của Cris Ronaldo là 1 tỷ euro.
Phí phá vỡ hợp đồng của Real Madrid cao hơn hẳn Barcelona.
Nếu nhìn vào bảng so sánh, dễ thấy Real Madrid đưa ra mức phí giải phóng hợp đồng cao hơn hẳn so với Barcelona. Ngoài Messi, cầu thủ có mức phí giải phóng hợp đồng cao thứ hai tại Barca là Neymar (nếu tính đến thời điểm chưa gia nhập PSG – PV) với mức 222 triệu euro, tăng lên 250 triệu vào đầu mùa giải 2018-19. Sau Neymar, những cầu thủ quan trọng khác của đội bóng xứ Catalan gồm Luis Suarez, Gerard Pique, Sergio Busquets, Andres Iniesta và Marc-Andre Ter Stegen đều có mức phí giải phóng là 200 triệu euro.
Trong khi đó ở Real Madrid, có đến 9 cầu thủ sở hữu mức phí giải phóng hợp đồng lớn hơn hoặc bằng Messi gồm Cris Ronaldo, Benzema (1 tỷ euro), Gareth Bale, James Rodriguez Luka Modric, Dani Ceballos (500 triệu), Marco Asensio, Dani Carvajal (350 triệu), Toni Kroos (300 triệu). Đó là chưa kể đến bốn cầu thủ khác có mức phí phá vỡ hợp đồng trị giá 200 triệu euro gồm Marcelo, Casemiro, Sergio Ramos và Raphael Varane.
Tại sao lại có sự chênh lệch mức phí giải phóng hợp đồng chênh lệch lớn đến thế giữa Real Madrid và Barcelona?
Kiêu ngạo và ngây thơ! Barcelona hẳn nghĩ rằng mức phí 200 triệu euro là quá an toàn để để họ giữ chân những cầu thủ trụ cột mà chưa nghĩ đến sự điên rồ trên thị trường chuyển nhượng. Hè năm ngoái, Manchester United từng gây chấn động khi bỏ ra 100 triệu euro để chiêu mộ Paul Pogba để tạo nên một kỷ lục chuyển nhượng mới. Barca vẫn chủ quan cho rằng trong tương lai gần, mức giá của các cầu thủ không thể bị đẩy cao một cách nhanh chóng đến thế.
Cứ nhìn cái cách Barca bị động trong việc đối phó với lời đề nghị từ phía PSG trong vụ Neymar thì có thể thấy rõ. Ngoài việc liên tục chỉ trích trên các phương tiện truyền thông, thậm chí nhờ cả đến sự can thiệp của ban tổ chức La Liga cũng như UEFA bằng những lời đe dọa, Barca chưa hề có kế hoạch để đối phó với những tác động mà thương vụ Neymar mang lại.
Sau khi Neymar ra đi, bầu không khí trên sân tập của Barca ảm đạm hẳn. Các cầu thủ thừa nhận quá mệt mỏi khi phải quan tâm đến những chuyện ngoài chuyên môn trong thời điểm mùa giải đã đến gần. Barca cũng chưa hề tính đến phương án thay thế Neymar một cách chủ động. Từ đầu mùa hè, họ bày tỏ sự quan tâm đến Marco Veratti và một phần là Philippe Coutinho nhưng không quá sát sao, tự tin rằng thương hiệu Barca là đủ để thu hút các cầu thủ, cũng như chẳng ai muốn rời một đội bóng giàu tham vọng.
Cho đến khi Neymar đến PSG một cách chóng vánh, Barca mới cuống cuồng tìm cách vãn hồi cục diện nhưng mọi thứ trở nên bất lợi hơn rất nhiều. Marco Verratti từng ngỏ ý muốn tới Barca nhưng rồi quyết định ở lại PSG do chứng kiến tham vọng của câu lạc bộ với bản hợp đồng Neymar. Thương vụ Coutinho cũng bị đội giá lên gấp rưỡi từ 60 triệu bảng giờ bị Liverpool “hét” lên thành 90 triệu do các CLB khác đều hiểu rằng Barca vừa thu về 198 triệu bảng nên chẳng tội gì không “vòi” thêm.
“Giờ không phải là lúc nói về thương vụ Neymar nữa, Barca nên tập trung vào mùa bóng mới thì hơn” – HLV Ernesto Valverde đắng chát nói về tác động tiêu cực từ sự ra đi của “tiểu Pele”. Cho đến bây giờ, Barca dường như vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực, nhiều chuyên gia ở Tây Ban Nha còn e ngại đội bóng xứ Catalan sẽ mất phương hướng giống thời điểm sau khi Luis Figo quyết định gia nhập Real Madrid. Chính chủ tịch Josep Maria Bartomeu từng thốt lên: “Thương vụ này điên rồ chẳng kém gì Luis Figo”.
Florentino Perez hiểu rõ sự bất thường trên thị trường chuyển nhượng nên đặt mức phí phá vỡ hợp đồng rất cao.
Nếu Barca đặt khung phá vỡ hợp đồng cao hơn, mọi chuyện có thể sẽ rất khác khi PSG phải chùn chân phần nào trong việc tiếp cận Neymar. Kể cả không thể giữ Neymar, Barca cũng có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch chuẩn bị cho sự chia tay, tránh khỏi việc rơi vào thế bị động như hiện tại.
So với Bartomeu, Florentino Perez hiểu rõ sự điên rồ trên thị trường chuyển nhượng hơn ai hết. Chính Florentino Perez với những cú áp phe trên thị trường chuyển nhượng góp một phần vào việc giá trị các cầu thủ tăng lên một cách điên rồ kể từ đầu thế kỷ 21. Đó là lý do khiến ông quyết định ràng buộc các cầu thủ bằng mức phí chuyển nhượng cực kỳ cao để có nhiều thời gian chuẩn bị cho bất cứ trường hợp nào.
Hãy thử tưởng tượng việc một câu lạc bộ muốn có Gareth Bale, họ chắc chắn khó đáp ứng được mức phí giải phóng hợp đồng lên đến 500 triệu euro, giá tiền đủ để mua một câu lạc bộ hay xây sửa một sân vận động mới. Nếu không thể đáp ứng phí phá vỡ hợp đồng, họ sẽ phải đàm phán với Real Madrid. Qua đó, Florentino Perez và bộ sậu sẽ có nhiều thời gian hơn để lên phương án có lợi nhất.