Nếu tìm một điểm giống nhau giữa các bộ phim có doanh thu cao nhất đầu thế kỷ XXI, thì chắc hẳn đó là chuỗi những cảnh hành động được thực hiện công phu. Chẳng hạn như cảnh chìm tàu trong các phần của phim Pirates of the Caribbean, cảnh pháo hoa nổ trong Transformers, hay cảnh rượt đuổi đâm xuyên kính và lách dưới xe đầu kéo container của The Dark Knight.
Mỗi năm, những cảnh hành động càng quy mô hơn, nghẹt thở hơn, tốn kém hơn. Và như một hệ quả không tránh khỏi, chúng cũng nguy hiểm hơn. Những người thực hiện chúng, không ai khác, chính là đội ngũ diễn viên đóng thế.
Mùa hè này, John Bernecker – nam diễn viên đóng thế 33 tuổi đã ra đi sau khi rơi từ độ cao 7m xuống sàn bê tông trong lúc đang đóng The Walking Dead, Joi “SJ” Harris – tay đua xe chuyên nghiệp lần đầu tham gia đóng thế đã mất mạng trong quá trình quay Deadpool 2 khiến cộng đồng này rúng động.
Vài chục năm trước từng xảy ra những tai nạn nghiêm trọng cho diễn viên đóng thế, thậm chí cả diễn viên chính của phim hành động. Gần đây, người ta nghĩ rằng công việc của diễn viên đóng thế đã an toàn hơn, khi công nghệ CGI cho phép các nhà làm phim thực hiện những điều không tưởng. Những vết bầm và gãy xương từng là dấu tích hiển nhiên trong biểu diễn các pha hành động, nay có thể dễ dàng tránh khỏi.
Nhưng Andy Armstrong – người từng phụ trách sắp xếp các cảnh hành động trong các phim The Amazing Spider-Man, Thor, Planet of the Apes và Total Recall chia sẻ: “Có một thực tế là khi những cảnh hành động được làm bằng CGI đã quá phổ biến, người ta lại không muốn sử dụng chúng nữa. Do vậy, họ sẽ yêu cầu một người nào đó làm một thứ gì thật mới lạ mà thường là rất khó kiểm soát độ an toàn”.
Armstrong tin rằng khi những người chạy nước rút trở nên nhanh hơn và các cầu thủ bóng rổ cao hơn, thì những pha hành động trong phim sẽ tiếp tục tăng độ khó. Bởi vậy, áp lực dồn lên những diễn viên như Tom Cruise – vừa bị vỡ mắt cá chân cách đây 2 tuần khi đang quay cảnh nhảy từ một giàn giáo sang tòa nhà bên cạnh trong Mission Impossible 6, vì muốn phim chân thực hơn nên tự mình thực hiện các pha nguy hiểm chứ không dùng diễn viên đóng thế.
Armstrong nói thêm: “Khi công nghệ CGI mới xuất hiện, những diễn viên đóng thế tưởng rằng công việc của họ đã kết thúc và sẽ bị thay thế bởi máy tính. Nhưng điều đó đã không xảy ra, vì vẫn có những việc cần con người thật để tăng độ chân thực”.
David Holmes – đóng thế cho Daniel Radcliffe trong các phần phim Harry Potter, đã bị liệt tứ chi vào năm 2009 do tai nạn khi đang đóng một cảnh bay lên sau một vụ nổ, chia sẻ: “Tôi vẫn rất yêu nghề đóng thế. Đó là nghề tuyệt vời nhất, thú vị nhất và thử thách nhất. Nhưng thật buồn khi một số đạo diễn và nhà sản xuất xem chúng tôi như những vật thế mạng, đánh giá thấp kỹ năng đặc biệt (gồm kết hợp của cả não phải và trái, nghệ thuật và thể chất) cần thiết cho các cảnh hành động. Ngành công nghiệp phim ảnh đang lơ đi những hy sinh của diễn viên đóng thế. Các giải thưởng và các hãng phim ít khi ghi nhận công lao của họ, dù họ đã mạo hiểm tính mạng cho những cảnh quay tốn kém và may rủi nhất trong quá trình làm phim”.
Đằng sau những cảnh quay hành động hoành tráng và những diễn viên nổi tiếng trên màn ảnh là sự đóng góp thầm lặng của nhiều diễn viên đóng thế
Gần đây, khi tổ chức một hội thảo tại New York, Andy Armstrong nghe được câu chuyện về một cảnh sát phòng cháy từng hỏi người phụ trách các pha hành động xem đã xin phép “đốt” một diễn viên đóng thế chưa. “Lúc ấy, hẳn bạn đột nhiên nhận ra, cần được cho phép để đốt một chiếc xe hay thùng rác, nhưng có thể “đốt” người mà không cần xin phép” – ông chua chát nói.Còn Elizabeth Davidovich – đóng thế trong các phim Captain American: Civil war, Spider-Man: Homecoming, Fast & Furious, Hunger Games, The Walking Dead, cho rằng, chỉ ghi nhận không thì cũng chẳng ích gì, mà phải thừa nhận bản chất của công việc đóng thế và các rủi ro có thể nhìn thấy của nó. Tuy có bị sốc khi thấy đồng nghiệp gặp nạn, song Davidovich thừa nhận không có ý định bỏ nghề để tìm công việc khác an toàn hơn và hy vọng sẽ không có sự cố nào tương tự xảy ra nữa.
Davidovich chia sẻ thêm: “Một trong số những lý do khiến chúng tôi thành công lại là sự vô danh. Nếu tôi không thể kiềm chế cái tôi của mình mà đăng mọi thứ lên mạng xã hội, kiểu như, nhìn này, đây là tôi trên một chiếc mô tô trong Fast 5 thì mọi người sẽ biết những cảnh trên phim là giả dối. Thường chúng tôi chỉ biết thỏa mãn với những lời khen “cừ lắm” ở hiện trường quay phim. Vì nếu muốn có danh tiếng thì không nên chọn nghề đóng thế”.
Như một lẽ tự nhiên, luôn có sự cay đắng và oán giận sau những bi kịch xảy đến với giới đóng thế, nhưng Holmes thú nhận: “Tôi bị liệt và cảm thấy đau đớn mỗi ngày, cuộc sống của tôi hiện giờ rất khó khăn. Vào những ngày tồi tệ, tôi nguyền rủa ngành phim ảnh, nhưng sau đó bạn biết tôi làm gì không? Tôi xem một bộ phim và cảm thấy khuây khỏa”.
Theo Doanh nhân Sài Gòn