Từ lâu, câu chuyện khan hiếm nhân lực trong ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam đã được nhiều người nhắc tới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các doanh nghiệp đang nỗ lực đón sóng cuộc CMCN 4.0, bài toán nhân lực lại càng trở nên quan trọng.
Tại phiên thảo luận trước thềm Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017 diễn ra sáng ngày 26/7, ông Phạm Văn Hải – chuyên gia CNTT của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, mỗi năm trường này chỉ đào tạo được 500 kỹ sư và 200 nhân lực các hệ khác, các sinh viên mới học đến năm thứ 3 đã rơi vào tình trạng “hết hàng”. Trong khi đó, chỉ riêng tập đoàn FPT đã cần khoảng 2.500 kỹ sư một năm.
“Như vậy, số cử nhân chúng tôi đào tạo còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu một doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải nêu ra nghịch lý: trong khi hơn 200.000 cử nhân ra trường thất nghiệp, thì ngành CNTT lại rất khan hiếm nhân lực.
Theo báo cáo của công ty VietnamWorks vào năm 2015, Việt Nam sẽ cần khoảng 1,2 triệu nhân lực CNTT vào năm 2020. Tuy nhiên, nếu số lượng nhân sự ngành CNTT chỉ tăng ở mức 8%/năm, chúng ta sẽ thiếu hụt khoảng 500.000 nhân lực, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực thị trường cần.
Ngành CNTT khan hiếm nhân lực trong khi nhiều cử nhân vẫn thất nghiệp
CNTT hiện là một trong những lĩnh vực trả lương cao nhất cho người lao động tại Việt Nam. Báo cáo về mức lương, phúc lợi và xu hướng ngành IT quý I và II năm 2017 do chuyên trang tuyển dụng IT TopDev vừa công bố cho hay, các công ty IT cần tuyển nhiều nhất là lao động có trên 2 năm kinh nghiệm, chiếm 75% nhu cầu thị trường. Vị trí trên được chào mời với mức lương dao động từ 750 USD đến 812 USD mỗi tháng, tương đương từ 17 đến 18,5 triệu đồng.
Cũng theo báo cáo này, sinh viên CNTT mới ra trường có triển vọng thu nhập tốt, với mức lương dao động từ 350 USD đến 520 USD, tức xấp xỉ 8 đến 12 triệu đồng mỗi tháng.
Trên thực tế, nhiều trường đại học tại Việt Nam đều đã đưa ngành CNTT vào chương trình đào tạo, tuy nhiên số sinh viên tốt nghiệp có chất lượng đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng lại chưa cao. Theo một chuyên gia trong ngành, bên cạnh năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ yếu kém của các cử nhân CNTT cũng là rào cản lớn dẫn đến tình trạng “cử nhân thì thừa, nhân lực công ty thì thiếu”.
Theo caphebiz.vn