Liên quan đến việc hàng ngàn xế hộp chưa nộp phạt nguội bị dừng đăng kiểm, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó cục trưởng Cục CSGT (C67- Bộ Công an) cho biết, như vậy là chưa đúng luật.
Theo Đại tá Trần Sơn, về nguyên tắc, phạt nguội và đăng kiểm là 2 vấn đề khác nhau. Hành vi vi phạm dẫn tới phạt nguội là ý thức chủ quan của tài xế, không phải là lỗi của phương tiện.
Hơn nữa, việc phạt lái xe vi phạm và chủ phương tiện là 2 vấn đề khác nhau.
Ông Sơn dẫn dụ, lái xe được chủ phương tiện thuê, khi lưu thông trên đường bị thiết bị camera ghi hình vi phạm chạy quá tốc độ quy định, sai làn đường, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông… Lúc này CSGT trích xuất dữ liệu, gửi thông báo về địa chỉ chủ phương tiện đăng ký yêu cầu nộp phạt.
Xe chưa nộp phạt nguội không được đăng kiểm (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, có thể chủ phương tiện ở Hà Nội, nhưng hộ khẩu thường trú ở Thái Nguyên nên khi CSGT gửi thông tin vi phạm về qua đường bưu điện (hoặc công an xã, phường) không đến được người vi phạm trực tiếp.
Điều này trái với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện phải được xử lý kịp thời, phải lập biên bản và ra quyết định xử phạt với người vi phạm đó.
Trong trường hợp nếu chủ xe nhận được thông báo (hoặc không nhận được) đưa xe đi đăng kiểm thì cơ quan đăng kiểm cho biết xe có vi phạm đã nhiều tháng. Vậy câu hỏi đặt ra là CSGT lập biên bản ai vi phạm và ra quyết định xử phạt ai?
“Rõ ràng ở đây không phải lập biên bản xử phạt với người vi phạm. Lúc này sẽ xảy ra tình trạng chủ phương tiện dù không vi phạm nhưng do xe hết hạn đăng kiểm nên buộc phải nhận thay lái xe là người vi phạm và nộp phạt” – ông Sơn nói.
Ông Sơn phân tích thêm, ở trường hợp này nếu CSGT chấp nhận một người vi phạm có thể là lái xe, người ký biên bản nộp phạt là chủ xe (2 người khác nhau) là chưa chuẩn so với quy tắc chung của luật xử lý vi phạm hành chính: Ai vi phạm thì xử lý người đó.
“Ở trường hợp trên nếu đúng quy định thì cần phải có ràng buộc trong hợp đồng: Nếu người lái xe vi phạm bỏ việc hoặc vì lý do nào đó thì 2 bên thỏa thuận chủ xe phải nộp thay (ủy quyền) thì mới nộp phạt được. Nếu không có ủy quyền thì chủ xe chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan chức năng truy tìm lái xe vi phạm chứ không thể nộp phạt thay được”, ông Sơn nói.
Cấm đăng kiểm xe chưa nộp phạt nguội là cưỡng chế
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong Luật giao thông đường bộ cho phép Bộ GTVT và Bộ Công an phối hợp trong việc đảm bảo trật tự ATGT.
Ông Thạch cho rằng, đây là vấn đề cưỡng chế, mọi hành vi vi phạm đều phải bị xử phạt. Khi bị xử phạt thì chủ phương tiện phải tuân thủ thực hiện theo quy định thì cơ quan quản lý mới cho đăng kiểm lưu hành.
Khi được hỏi việc ban hành thông tư cấm đăng kiểm xe chưa nộp phạt nguội có đúng luật hay không, ông Thạch cho biết: Trong tuần này Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Bộ Công an, GTVT sẽ trả lời cụ thể.
Ông Sơn cho rằng, phạt nguội là rất cần thiết để răn đe trong việc chấp hành pháp luật tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước phải bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý để việc phạt nguội thực hiện được đúng luật.
“3 bộ phải ngồi lại với nhau phối hợp rà soát và đưa ra đề xuất bổ sung hành lang pháp lý để việc phạt nguội đúng luật, thuận lợi cho người dân” – ông Sơn nói.
Đồng quan điểm ông Thạch thừa nhận, các cơ quan quản lý cần phải xem lại việc thông tin tới chủ phương tiện, để chủ phương tiện chủ động đi nộp phạt trước khi đưa xe đi đăng kiểm.
Theo Vietnamnet