Sau khi mẹ của một vài người bạn bị chẩn đoán ung thư vú, nam sinh ở Georgia (Mỹ) có động lực thực hiện dự án liên quan đến căn bệnh này và thu được 6 giải thưởng tại hội chợ khoa học của bang.
Dự án nghiên cứu chất chống oxy hóa trong trà xanh có thể ngăn ngừa các khối u vú ở planaria, một loại giun dẹp, giúp Stephen Litt (12 tuổi) được mời ghé thăm phòng thí nghiệm tại Đại học Tufts vào tuần trước, trong kỳ nghỉ xuân.
“Chưa bao giờ đến một phòng thí nghiệm chuyên nghiệp như vậy, do vậy em cảm thấy rất tuyệt. Em được xem những thí nghiệm đang được thực hiện ngay trước mắt”, Stephen trả lời trên ABC News ngày 11/4.
Michael Levin, Giám đốc Trung tâm Khám phá Allen của Đại học Tufts, người sắp xếp chuyến tham quan của Stephen nhận xét dự án khoa học của nam sinh này đáng chú ý và vô cùng tiên tiến so với độ tuổi của em.
“Công trình này rất thú vị và có tiềm năng phát triển không chỉ đối với nghiên cứu về ung thư mà còn cả y học tái tạo. Rõ ràng là cậu bé đã suy nghĩ sâu sắc về vấn đề này”, ông cho biết.
Stephen bắt đầu nghiên cứu từ tháng 10 năm ngoái sau khi đọc về bệnh sốt rét ở trường. Khi bố em, Lesley Litt, bảo rằng kế hoạch nghiên cứu sốt rét sẽ không thực tế, em chuyển hướng sang nghiên cứu ung thư.
“Thằng bé đã đọc nhiều hơn và tìm thấy một bài báo về trà xanh, bởi vì chúng tôi thích đồ ăn Nhật Bản, và biết rằng có một chất chống oxy hóa trong trà xanh giúp tiêu diệt bệnh ung thư vú. Gia đình tôi có những người bạn mắc căn bệnh này, và đó là cách dự án bắt đầu”, ông Litt kể lại.
Theo ông, Stephen là mọt sách, em đã tập hợp đầy đủ bài báo và nghiên cứu liên quan. Bên cạnh đó, hai bố con cùng nhau tìm tài liệu trực tuyến và thiết lập một khu vực nghiên cứu phía trước phòng. Stephen sử dụng 100 con planaria được chia thành 4 nhóm.
Trong suốt 4 tuần, nhóm đầu tiên được tiếp xúc với epigallocatechin-3-gallate, hay EGCG, dưỡng chất có trong trà xanh, trong khi nhóm khác tiếp xúc với EGCG trong 24 tiếng và sau đó là hai chất gây ung thư trong thời gian còn lại. Nhóm giun dẹp thứ ba chỉ tiếp xúc với hai chất gây ung thư trong khi nhóm thứ tư chỉ tiếp xúc với nước suối.
Stephen ghi lại kết quả bằng kính hiển vi, một món quà từ ông bà và phát hiện ra nhóm planaria tiếp xúc với EGCG không phát triển khối u trong suốt thời gian quan sát.
“Bằng cách thiết lập mô hình ung thư trong planaria, Stephen đang tiến gần đến một trong những bí mật lớn nhất cuộc đời: Các tế bào hợp tác để xây dựng và sửa chữa cơ thể (tái tạo) như thế nào, quá trình này có thể thất bại và dẫn đến ung thư ra sao. Tôi ấn tượng nhất ở quan điểm trưởng thành của em về vấn đề này, suy nghĩ sáng tạo khi thực hiện thí nghiệm và phương pháp tiếp cận để trả lời câu hỏi”, giáo sư Levin nhận xét.
Dự án đã giúp Stephen giành được 6 giải thưởng tại Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Georgia tháng này, trong đó có giải dự án nổi bật nhất. Nam sinh lớp 7 cũng sắp cạnh tranh trong cuộc thi cấp quốc gia.
Điều thú vị là các giải thưởng được trao đúng ngày cá tháng tư, do vậy gây ra những hiểu nhầm. Hầu hết bạn bè đều không tin khi được Stephen thông báo.
Stephen hy vọng sẽ xây dựng dự án cho năm học lớp 8 với đề tài “EGCG ngăn chặn các khối u hình thành như thế nào”. “Em đang làm điều gì đó thực sự quan trọng. Đó là khoa học và em muốn có thể tìm cách giúp mọi người”, Stephen nói.
(Nguồn: Vnexpress)