Thương mại điện tử sẽ trở thành một trong những hình thức mua sắm phát triển nhất tại Việt Nam với khoảng 55% dân số tham gia.
Mua sắm trực tuyến sẽ ngày càng phát triển tại Việt Nam
Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đáng chú ý là Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2025.
Cụ thể, đến thời điểm đó, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm;
Doanh số thương mại điện tử đến tay người dùng (B2C- tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Để khắc phục tồn tại lớn của thương mại điện tử hiện nay là vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, kế hoạch phấn đấu năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước đang triển khai đề án mobile money để thúc đẩy không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đây là tiền đề cho sự phát triển của thương mại điện tử ở mức độ cao hơn.
Hà Nội, TP HCM sẽ chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử, giảm so với hiện tại. 50% còn lại là thương mại điện tử ở các địa phương khác trên cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc thương mại điện tử sẽ được thúc đẩy phát triển đồng đều hơn giữa các khu vực trên cả nước.
Để thực hiện kế hoạch này, 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử, sẵn sàng nguồn nhân lực cho kế hoạch. Ngoài ra, 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên cũng được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
Theo anninhthudo.vn