Ma hoàng trị cảm, hen phế quản

Ma hoàng là phần thân cỏ trên mặt đất đã sấy khô của các loại thảo ma hoàng, mộc tặc ma hoàng… (Ephedra sinica Stapf.; Ephedra equisetina Bunge.)…, thuộc họ ma hoàng (Ephedraceae).

Ma hoàng có các alcaloid: ephedrin, metyl ephedrrin, norephedrrin, pseudoephedrrin…

Theo Đông y, ma hoàng vị cay đắng, tính ôn; vào các kinh: phế, bàng quang. Có tác dụng phát hãn giải biểu, bình suyễn chỉ khái, lợi tiểu tiêu phù, ôn tán hàn tà. Chữa các chứng ngoại cảm phong hàn biểu thực, phế khí ủng tắc, suyễn tức khái thấu, phù thũng có biểu chứng, đau phong thấp. Liều dùng: 4 – 12g.

Một số bài thuốc có ma hoàng

Tán hàn giải biểu.Trị các chứng thực thuộc biểu, ngoại cảm phong hàn, ớn lạnh phát sốt, đau đầu, đau mình, mũi tắc, không có mồ hôi, mạch phù khẩn:dùng thang ma hoàng: ma hoàng 8g, quế chi 8g, hạnh nhân 12g, cam thảo 4g. Sắc uống lúc còn ấm.

Chống co thắt, làm dịu cơn hen:

Bài 1: ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, cam thảo 4g. Sắc lấy nước, uống lúc còn ấm. Trị các chứng hàn thuộc biểu hư: ho hen mà ớn lạnh, bí mồ hôi.

Bài 2: ma hoàng 6g, hạnh nhân 12g, thạch cao sống 20g, cam thảo 4g, ngũ vị tử 4g, hải phù thạch 12g, ô tặc cốt 12g. Sắc uống. Trị hen phế quản.

Bài3: ma hoàng 8g, hạnh nhân 8g, bách bộ 8g, thạch cao sống 40g, cát cánh 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị viêm phế quản cấp và viêm phổi mà sốt cao không hạ, miệng khát, ho, hen.

Bài 4: ma hoàng 8g, hạnh nhân 8g, thạch cao sống 8g, cam thảo 4g, xuyên bối mẫu 4g, bách bộ 8g. Sắc uống. Trị chứng ho gà mà đờm nhiệt.

Lợi niệu, tiêu thũng: Dùng cho bệnh phù thũng mới phát; có các chứng thuộc biểu: sợ gió, mạch phù.

Bài 1: ma hoàng 8g, thạch cao sống 40g, cam thảo 4g, đại táo 12g, gừng sống 8g. Sắc uống. Trị viêm thận cấp tính, phù thũng mà nóng trong.

Bài 2: ma hoàng 8g, liên kiều 12g, xích tiểu đậu 20g, tang bì 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo 4g, sinh khương 8g, đại táo 3 quả. Sắc uống. Trị viêm thận cấp tính, phù thũng mà có nhiễm trùng ngoài da.

Kiêng kỵ: Không dùng cho người biểu hư, ra nhiều mồ hôi, người phế hư ho hen mà tăng huyết áp. Nếu dùng ma hoàng mà mồ hôi tháo ra không ngừng (thoát dương) thì phải dùng nhân sâm, phụ tử sắc lên uống; ngoài ra còn dùng bột long cốt, bột mẫu lệ, bột gạo nếp xoa ngoài để hãm mồ hôi.

Lưu ý: Cần phân biệt, tránh nhầm lẫn dùng ma hoàng và ma hoàng căn (Radix Ephedrae) là phần rễ dưới mặt đất của cây ma hoàng, vị ngọt, tính bình, là chất hãm mồ hôi.

Theo Suckhoedoisong

SHARE