Kinh nghiệm lái ôtô vào đường làng

Nên xuống đi bộ kiểm tra trước, nhờ người nhà xi-nhan khi vào chỗ hẹp và nhất là tránh nắp cống.

Dù muốn hay không thì đôi lúc chúng ta cũng phải đi vào đường làng. Ít kinh nghiệm thì đi bộ “tham quan” trước, xem mặt đường, tốt, xấu, rộng, hẹp, có quay đầu được không, tránh né xe bò, xe cải tiến và đỗ như thế nào?

Nên hỏi xem xe cùng cỡ với mình đã có ai vào chưa. Nếu người ta vào được thì mình cũng vào được. Nói chung là nên đi số thấp, đi theo vệt bánh xe trước (nếu có), hạ kính, vặn nhỏ đài, chỉnh gương, có thể kéo ghế lái gần thêm một chút.

Nếu đường bùn lầy, trơn, ướt, ổ voi… thì phải kiểm tra, kê gạch, lót ván nếu thấy cần. Đến những khúc cua hẹp phải lưu ý xem xe có thoát được không, nhiều khi thoát đầu nhưng sườn xe có thể bị chạm, có thể phải vài ba đỏ.

Nên nhớ “tiến bám lưng”. Đường làng thường hẹp nên khi quay đầu cũng phải tận dụng những khoảng trống dù nhỏ hẹp, có thể cũng mất vài ba đỏ. Nên nhớ “lùi bám bụng”. Nhờ người nhà (người làng) xi-nhan giúp.

Nhiều khi xe mình cồng kềnh, đi chậm gây tắc đường thì người làng cũng dễ xử trí với dân làng hơn. Nhưng vào chỗ khó cũng không quá tin tưởng vào người xi-nhan vì có thể họ không biết lái nên xi-nhan có thể không chuẩn.

Nên tập đi vào đường làng, coi như mình luyện thêm. Trường hợp không vào được mới phải gửi xe cuốc bộ, nhưng cũng nên để lại người trông xe vừa trông đồ, vừa trông trẻ nhỏ.

Ở vùng quê văn minh thì không sao, nhiều chỗ hẻo lánh trẻ nhỏ thấy ôtô lạ mắt, tò mò có khi chạy ra sờ mó, lấy cành cây, viên gạnh vẽ con chim, con gà lên cửa xe. Thậm chí trèo lên kính chắn gió chơi cầu tượt… thì tội cho “vợ hai” của mình lắm. Một điều nữa là hãy cẩn thận với các nắp cống, nắp rãnh thoát nước.

Ở quê “xi-măng không cốt thép” phổ biến, mép ruộng cũng vậy. Nên tránh xa. Nếu không muốn cho xe bị sa lầy. “Chó tránh đầu, trâu tránh đít” thì biết rồi, nhưng gặp đàn gà, ngan, vịt thì đỗ hẳn lại mà suỳ nó đi qua đã kẻo vừa bị ăn mấy cái bạt tai vừa phải đền cả đàn…

Độc giả Nguyễn Phúc Tâm từ vnexpress.net

SHARE