Hồng ngâm có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên ăn không đúng cách sẽ vô tình gây hại cho bạn.
Quả hồng chín không những là món ăn được nhiều người yêu thích mà trong đông y còn dùng để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, một số lưu ý sau đây bạn cần biết để tránh gây hại sức khỏe khi ăn quả hồng ngâm.
Không ăn lúc đói
Do thành phần tannin và pectin có trong quả hồng khi ở môi trường acid của dạ dày lúc bụng đói sẽ kết tụ lại. Những khối kết tụ này khi không xuống được ruột non thông qua môn vị, sẽ lưu lại trong dạ dày và hình thành sỏi. Nếu chúng không được thải ra ngoài theo đường tự nhiên, sẽ gây tắc nghẽn tại đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như đau quặn bụng trên, nôn mửa, thậm chí nôn ra máu…
Không ăn hồng với canh cua
Hồng và canh cua không nên ăn cùng nhau, chất tannin và các thành phần khác có trong quả hồng có thể làm cho chất đạm trong thịt cua kết tủa rắn lại, chất rắn đó lâu dần sẽ lưu lại trong ruột, lên men rồi thối rữa, từ đó gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài…
Không kết hợp quả hồng và thịt ngỗng
Thịt ngỗng là loại thực phẩm giàu protein chất lượng cao, khi gặp tanin trong quả hồng, protein này dễ ngưng tụ thành protein acid tannic, tích tụ trong dạ dày, trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Không ăn hồng với khoai lang
Thành phần chủ yếu của khoai lang là tinh bột, sau khi được đưa vào dạ dày sẽ sản sinh ra một lượng lớn acid dạ dày, nếu lại ăn thêm một vài quả hồng, sẽ xảy ra phản ứng kết tủa dưới tác dụng của axit dạ dày. Khi các chất kết tủa này liên kết với nhau, sẽ hình thành sỏi không hòa tan, vừa khó tiêu hóa, lại không dễ đào thải ra ngoài, từ đó hình thành sỏi trong dạ dày, đe dọa sức khỏe của dạ dàymột cách nghiêm trọng.
Không ăn cùng trứng
Ăn hồng ngay sau khi ăn trứng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và viêm ruột cấp tính, có thể dẫn tới nôn mửa. Khi đó cần ngay lập tức uống dung dịch gồm 20 g muối và 200 ml nước sôi hoặc có thể sử dụng nước ép gừng tươi trộn với nước ấm. Nếu không nôn được, cần phải uống nhiều lần để thúc đẩy nôn mửa. Sau đó, phải dùng thuốc nhuận tràng để loại bỏ các chất độc hại trong cơ thể.
Không ăn hồng khi bị tiểu đường, tiêu hóa kém
Trong quả hồng chứa 10,8% carbohydrate, hơn nữa hầu hết là disaccharides và monosacarit đơn giản, do đó sau khi ăn rất dễ bị hấp thụ, khiến đường huyết tăng lên. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người kém kiểm soát đường huyết là vô cùng có hại.
Ngoài ra, những người bị tiêu chảy, cơ thể suy nhược, phụ nữ sau sinh và những người bị cảm lạnh không nên ăn; Những người có chức năng dạ dày kém, viêm dạ dày mãn tính, khó tiêu, những người bị cắt dạ dày cũng không được ăn.
Cách khử vị chát của quả hồng đơn giản, hiệu quả:
– Đặt hồng vào trong thùng nhựa, lấy cồn hoặc rượu phun lên bề mặt quả, đậy kín 3-5 ngày, hồng sẽ hết chát.
– Cho hồng vào túi nilông, xếp lẫn với 1 hoặc 2 quả táo (loại táo tàu to) buộc kín miệng túi lại khoảng 2-3 ngày sau, hồng sẽ không còn vị chát nữa.
– Khi mua hồng (hồng ngâm) muốn hồng không chát, sau khi rửa sạch bằng nước muối bạn lấy kim châm vào quả hồng rồi ngâm vào nước sôi để nguội. Vị chát sẽ không còn.
– Cho hồng vào chậu nước nóng 40-45 độ C và đậy lại. Đến khi nguội thì thay 1-2 lần nước nữa, để qua một đêm, hồng sẽ không chát.
Nguồn: phunutoday.vn