Dạo gần đây một số người bạn tôi quen bỗng dưng đang ngồi nhà thấy tin nhắn điện thoại báo có giao dịch rút tiền, tận bên Malaysia, cho dù chưa sang đó bao giờ.
Dạo gần đây một số người bạn tôi quen bỗng dưng đang ngồi nhà thấy tin nhắn điện thoại báo có giao dịch rút tiền, mặc dù thẻ vẫn bỏ trong ví, có người thì thấy thẻ tín dụng bị tiêu tận bên Malaysia, cho dù chưa sang đó bao giờ.
Sự việc bị mất tiền trong thẻ ATM hay thẻ tín dụng được báo chí nói khá nhiều, tuy nhiên những người dùng thẻ có vẻ vẫn chưa biết cách để tự bảo vệ khỏi nạn ăn cắp này.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó TGĐ VCCorp phụ trách khối Thương mại điện tử.
Đây là một số chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó TGĐ VCCorp phụ trách khối Thương mại điện tử, về một số nguy cơ bị mất thông tin thẻ và các cách để chúng ta phòng tránh:
Thẻ tín dụng (Visa hoặc Mastercard)
Đánh cắp thông tin thẻ tín dụng Visa hoặc Mastercard là việc khá dễ dàng. Bởi khi chúng ta ra ngoài và sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu, nhân viên hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại di động để chụp lại thông tin thẻ in trên cả 2 mặt.
Thông tin này sau đó có thể được sử dụng để thanh toán trực tuyến (bời hầu hết thẻ tín dụng khi thanh toán không cần đến mã xác thực OTP), hoặc có thể được đem bán trên web đen. Đây là nguyên nhân mà tài khoản của bạn có thể bị mất tiền bởi một giao dịch ở một quốc gia khác trên thế giới, hay trên một website vô danh nào đó.
Cẩn thận với mã CVV trên thẻ tín dụng của bạn.
Cách đề phòng: Ngay khi nhận được thẻ tín dụng từ ngân hàng phát hành, bạn hãy lưu lại 3 số mặt sau của thẻ (số CVV) vào điện thoại hoặc hãy ghi nhớ trong đầu. Sau đó dùng dao cạo cho mất 3 số đó đi hoặc dùng băng dính đen dán đè lên che 3 số này lại, việc này đề phòng khi bị lộ số thẻ thì cũng không thanh toán được vì phải nhập cả số CVV mặt sau thẻ. Chỉ khi đúng bạn thanh toán thì mới có số CVV để nhập vào.
Hiện nay cũng có rất nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo mật 3D Secure khi thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng. Đây là tính năng bảo mật bằng mã OTP gửi về điện thoại của bạn để xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến, giống như thanh toán bằng tài khoản ATM. Với tính năng này bạn sẽ không lo việc kẻ xấu đánh cắp thông tin thẻ, bởi vẫn phải qua một bước xác thực nữa bằng mã OTP.
Thẻ ATM của ngân hàng
Có 2 nguyên nhân dẫn đến thông tin thẻ ATM bị đánh cắp:
Nguyên nhân thứ nhất là khi bạn rút tiền tại cây ATM, ngay tại khe đút thẻ đã bị đối tượng ăn cắp gắn thiết bị đọc thông tin từ tính ở trong thẻ (thiết bị Skimmer). Thông tin bị đánh cắp sau đó sẽ được sao chép ra một thẻ trắng.
Các thiết bị đánh cắp thông tin thẻ được gắn trên máy ATM.
Ngoài ra khi bạn nhấn mã PIN trên máy ATM, đối tượng đã đặt camera quay lén ở một góc nào đó để quay lại các số bạn đã ấn, từ đó biết được mã PIN và dùng thẻ giả được sao thông tin từ thẻ thật của bạn và đi rút tiền ở các cây ATM khác.
Nguyên nhân thứ hai là khi bạn thanh toán tại các cửa hàng bằng thẻ ATM, bằng cách quẹt thẻ qua các máy POS. Nguyên nhân này ít được nhắc tới, nhưng theo anh Tuấn thì đây là nguyên nhân dễ bị mất thông tin thẻ nhất.
Máy POS tại các cửa hàng cũng có thể đánh cắp thông tin thẻ ATM.
Bạn đưa thẻ ATM để thanh toán tại quầy thu ngân, nhân viên cầm và quẹt vào máy POS để trừ tiền, thế nhưng bạn có để ý máy POS đó được gắn thêm gì? Hoặc có được quẹt qua thiết bị đọc trộm thông tin thẻ trước khi quẹt vào POS hay không?
Cách đề phòng: Đối với nguyên nhân đầu tiên, cách hạn chế là khi ra cây ATM rút tiền, trước khi đưa thẻ vào khe, hãy quan sát xem có thiết bị đáng ngờ nào được lắp thêm vào khe đút thẻ hay không, nếu thấy nghi ngờ thì không nên cho thẻ vào.
Đồng thời, khi nhập mã PIN, hãy dùng một tay bấm mã, tay còn lại che lại để không ai nhìn được số bạn đang bấm. Để chắc ăn hơn, trong quá trình bấm hãy làm một số động tác giả vờ bấm phím nhưng thực chất không bấm để khỏi bị suy luận và đoán biết bạn đã bấm phím nào dựa vào cử chỉ ngón tay của bạn.
Đối với nguyên nhân thứ hai, bạn phải hết sức lưu ý xem nhân viên có quẹt thẻ của bạn qua một máy khả nghi nào hay không. Sau khi quẹt thẻ đến bước bạn nhập PIN để xác nhận thanh toán, bạn hãy dùng cách che tay và động tác giả giống như cách đã nói ở trên, bởi tại shop bán hàng thì việc đặt camera giám sát với độ nét cao chĩa thẳng vào vị trí bạn thanh toán tiền là chuyện hết sức bình thường.
Nếu bị mất tiền trong thẻ mà không rõ lý do (rất quan trọng nếu bạn không muốn ngân hàng chối bỏ trách nhiệm)
Hãy ngay lập tức gọi lên số hotline của ngân hàng thông báo tình trạng và yêu cầu khóa thẻ, sau đó tự quay hoặc nhờ ai đó quay chính bản thân mình, tay cầm thẻ và chứng minh mình đang ở nhà hoặc ở địa điểm nào đó mà không phải địa điểm đã rút tiền. Dùng đoạn video đã quay mang lên phòng CSKH của ngân hàng để khiếu nại và làm việc với ngân hàng để yêu cầu ngân hàng giải quyết.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó TGĐ VCCorp Phụ trách khối Thương mại điện tử Zamba