Các chuyên viên Kong: Skull Island vừa chia sẻ lại những chi tiết hậu trường mới về quá trình đoàn phim ghi hình ở Ninh Bình đầu năm 2016. Chuyên viên quản lý và giám sát bối cảnh Leann Emmert kể hồi đến Việt Nam để khảo sát bối cảnh, tiêu chuẩn đầu tiên bà chọn địa điểm quay là phải gần với khách sạn năm sao hoặc resort. Điều này nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho gần 300 người khi cần ra thành phố hoặc sân bay.
Cảnh quay diễn viên ngã xuống nước ở Ninh Bình.
Sau khi chọn Ninh Bình, Quảng Bình và Hạ Long để ghi hình, tổ thiết kế bắt đầu sang Việt Nam để thực hiện việc xây dựng bối cảnh. Đoàn Kong: Skull Island đã xây dựng một con đường mới ở Quảng Bình và khai hoang nhiều khu vực xung quanh Đầm Vân Long để dựng ngôi làng giả tưởng có tên Iwi – gồm 30 ngôi nhà là nơi sinh sống của các thổ dân trên đảo Đầu Lâu.
Bà Leann Emmert khẳng định địa thế ở Ninh Bình với cấu trúc đất đá độc đáo đã khiến các nhà làm phim Hollywood ấn tượng mạnh. “Kiến trúc đất đá rất đặc biệt này chỉ có thể có ở Việt Nam”, bà Leann nói. Tuy nhiên, vì gần với thiên nhiên, rừng rậm nên ở những bãi hoang tại Ninh Bình có khá nhiều rắn và các loài động vật hoang dã. Trong quá trình quay, các bác sĩ cũng như người bắt rắn chuyên nghiệp luôn phải túc trực trên bối cảnh phòng trường hợp không hay xảy ra với đoàn. Bà Leann Emmert tiết lộ có những lúc đoàn gặp cả rắn hổ mang bò vào trường quay.
Bối cảnh ngôi làng Iwi nằm trên một bãi đất ở gần Đầm Vân Long, được bao quanh bởi núi non trùng điệp. 30 ngôi nhà được dựng nên với nhiều vật dụng của thổ dân như mía, tỏi, thúng, cau, dừa, chiếu, cói. Diễn viên quần chúng được tuyển từ những người dân ở Ninh Bình. Có bốn ngày quay diễn viên quần chúng với ngày đông nhất là khoảng 60 người. Thời gian hóa trang kéo dài khoảng 3-4 tiếng, theo đó, các diễn viên nghiệp dư hóa thân thành những thổ dân. Họ là những người thuộc lứa tuổi trung niên, phải cạo trọc đầu và được phết lên mặt, lên người một lớp sơn màu vàng hoặc màu xanh với các họa tiết mang tính biểu tượng.
Mỗi lần ghi hình, đoàn phim sử dụng trung bình là năm chiếc camera, đặt ở nhiều góc.
Theo tiết lộ của ông Đinh Xuân Thủy (người ở xã Ninh Hải, Hoa Lư), khi đi ứng tuyển làm quần chúng trong Kong: Skull Island, nếu diễn viên chỉ đến trường quay và hóa trang chờ đợi thì cát-xê là 200.000 đồng mỗi ngày. Nhưng nếu được chọn để lên hình, diễn viên nhận thù lao là 350.000 đồng mỗi ngày. Những ngôi sao Hollywood như Tom Hiddleston, Brie Larson, Samuel L. Jackson đều ăn chung với cả đoàn, từ đội kỹ thuật đến diễn viên quần chúng Việt Nam.
Tom Hiddleston và Brie Larson hết lời khen ngợi đồ ăn Việt Nam. Cả hai cho biết trong khu canteen thường có hai khu vực đồ ăn cho người bản địa – người nước ngoài. Hai diễn viên nổi tiếng thường chọn các món Việt Nam vì dễ ăn, nhiều rau, có lợi cho sức khỏe.
Khi tham gia đoàn Kong: Skull Island, các thành viên đến từ Việt Nam đều phải ký rất nhiều bản hợp đồng đảm bảo tính bảo mật trên trường quay. Vì vậy, hiếm có bức ảnh nào được lọt ra ngoài. Từng vị trí trên bối cảnh luôn có người giám sát và chỉ cần có người giơ điện thoại lên chụp hình, người đó bị yêu cầu xóa ảnh ngay lập tức.
Giám sát bối cảnh Leann Emmert cũng cho biết có cảnh quay diễn viên bị ngã xuống nước, đoàn phim đã phải lấy mẫu nước ở Đầm Vân Long đem về Mỹ kiểm tra. Khi các chuyên gia xác nhận về độ an toàn, những cảnh quay mới được tiến hành.
* Trailer phim “Kong: Skull Island”
Quá trình ghi hình cho bom tấn Kong: Skull Island bắt đầu từ tháng 10/2015 tại Hawaii (Mỹ). Tới tháng 12, đoàn phim di chuyển tới Australia và làm việc tại đây trong một tháng. Việt Nam là điểm đến cuối cùng. Đoàn phim bắt đầu bấm máy ở Phong Nha – Kẻ Bảng (Quảng Bình) hôm 23/2/2016 và kết thúc cảnh cuối tại Hạ Long – Cát Bà vào cuối tháng ba. Kinh phí sản xuất của bom tấn này là 190 triệu USD.
Kong: Skull Island dự kiến ra mắt khán giả từ ngày 10/3 với tên gọi Kong: Đảo Đầu Lâu.
Nguyên Minh