“Nên tạm ngưng cấp phép những dự án (DA) chưa triển khai để đánh giá lại nhu cầu thực tế, tránh đầu tư dàn trải, tràn lan vừa không hiệu quả, vừa lãng phí tài nguyên, đất đai”
Đó là ý kiến của ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) khi trả lời PV Thanh Niên về chính sách phát triển điện mặt trời.
Theo ông Hà Đăng Sơn, quyết định số 11 của Chính phủ đã có tác động mạnh để các DA điện mặt trời đang triển khai. Tuy nhiên với khung thời gian mà thông tư 16 của Bộ Công thương quy định thời gian để vận hành thương mại để được hưởng theo Quyết định 11 chỉ 2 năm là rất ngắn. Đây là một trong các nguyên nhân để các DA điện mặt trời “đua nhau” triển khai vì sợ gặp rủi ro về tiến độ. Tuy nhiên rủi ro nhất hiện nay là việc đàm phán đấu nối với lưới điện quốc gia do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) quản lý.
“Vấn đề khó khăn tiếp theo của điện mặt trời là nguồn vốn. Hiện nay, hợp đồng điện mẫu (theo Thông tư 16) còn nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế nên khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn nước ngoài do vậy chủ yếu vẫn từ nguồn vốn trong nước. Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ cần công khai danh mục các DA đã được phê duyệt. Tập đoàn EVN cần công khai những vị trí đấu nối đã hết khả năng tiếp nhận để giúp nhà đầu tư biết, tránh rủi ro khi làm DA”, ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn, đầu tư năng lượng sạch nói chung, điện mặt trời nói riêng ở nước ta có nhiều tiềm năng và lợi thế, tuy nhiên do suất đầu tư khá cao so với các nguồn điện truyền thống nên chưa được quan tâm. Gần đây nhờ công nghệ mới, đầu tư năng lượng sạch đã giảm giá mạnh và có thể cạnh tranh với các nguồn truyền thống. Điều này đã tạo sự “bùng nổ” về đầu tư, đặc biệt với điện mặt trời.
Đối với Bình Thuận, các DA điện chủ yếu phục vụ các tỉnh khác (đến năm 2020, tổng công suất Pmax của tỉnh chỉ hơn 800 MW). Trong khi đó, các DA năng lượng (kể cả nhiệt điện than) đang làm phát sinh các hệ lụy về môi trường. Cho nên cần xem xét tạm ngưng cấp phép các DA điện chưa triển khai để đánh giá lại nhu cầu thực tế bài toán phát triển điện lực toàn vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ. Mặt khác, để dồn nguồn lực cho năng lượng sạch. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận được các nhược điểm của nguồn điện gió và điện mặt trời, tránh đầu tư tràn lan sẽ kém hiệu quả, khiến tài nguyên lãng phí trong khi lưới điện chưa đáp ứng được việc truyền tải liên vùng.
Điện gió cũng… “án binh bất động”
Theo Sở Công thương Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 DA điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư là 1.192,5 MW. Trong 19 DA này có 12 DA đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với công suất 507,3 MW; 7 DA còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Trong số 12 DA đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì có 3 DA đã đi vào hoạt động. Đó là DA Phong Điện và DA Phú Lạc (đều ở H. Tuy Phong) và một DA trên đảo Phú Quý. Trong 3 năm nay, ngoài 3 DA vừa nêu trên, không có DA nào được triển khai trên địa bàn Bình Thuận. Theo Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh, việc giá bán điện gió hiện nay Chính phủ quy định (7,8 cent Mỹ) là quá thấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư “chùn bước”.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như thiết bị siêu trường, siêu trọng, việc lắp đặt phức tạp dẫn đến chậm tiến độ, công tác giải tỏa, đền bù phức tạp và vướng vào khu vực chồng lấn có khoáng sản titan.
Thế Giới Tinh Tế