Chị Hồng giờ đây đã làm bà chủ vựa ve chai, cưu mang 20 người nghèo khó. Chị cũng học để biết chữ, tính tiền, xài zalo, facebook làm ăn.
Chúng tôi tìm đến nơi ở của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi), người từng [nhặt được 5 triệu Yên Nhật bên trong thùng loa cũ, tại một căn nhà nhỏ trên đường Trần Văn Quang, quận Tân Bình, TP HCM.
Ngôi nhà chị Hồng đang ở vừa là nơi sinh hoạt hằng ngày vừa là nơi chứa phế liệu tập kết mua lại của người dân. Để vào bên trong, chúng tôi phải leo qua nhiều bãi phế liệu cao đến đầu gối người lớn, chất ngổn ngang xung quanh.
Căn nhà chứa đầy phế liệu tập kết mua lại từ người dân của chị Hồng.
Thấy có khách, chị Hồng đang ngồi ở giữa nhà vội gấp lại cuốn sách Tập đọc lớp 3 còn mới nhưng dính nhiều mẩu than đen.
Lau giọt mồ hơi trên trán, chị Hồng hồ hởi khoe: “Nay chị đã biết tính nhẩm các con số, ghi được chữ để làm ăn rồi, vui lắm em ơi! Đang ngồi thu mua, phân loại lại phế liệu mà chị háo hức mấy bài còn chưa xem xong nên tranh thủ học”.
Theo lời chị Hồng, sau khi được Công an quận Tân Bình trả lại 5 triệu Yên, chị gửi một phần về quê giúp đỡ gia đình, còn dư bao nhiêu chị gửi vào ngân hàng để lấy tiền lãi chăm lo đời sống cho con và tiếp tục công việc đẩy xe ba gác đi mua ve chai.
Cuối năm 2016, người chủ vựa ve chai chị hay bán bỗng dưng không mua ve chai nữa, chấm dứt hoạt động khiến hàng chục phụ nữ lâm vào cảnh thất nghiệp.
Chị Hồng cho biết mình đã đứng ra nhận thu mua ve chai cho 20 phụ nữ cùng cảnh.
Chứng kiến những người chị em từng thân thiết, làm nghề thu mua ve chai giờ không biết phải sống ở đâu, bán ve chai cho ai để có tiền nuôi gia đình, chị Hồng rất buồn. Nhiều đêm nằm ngủ, chị Hồng trằn trọc mãi rồi quyết định một việc mà giờ chị Hồng bảo “thấy động trời”.
Theo lời chị Hồng, chị dự định rút một khoản tiền từ ngân hàng để thuê lại căn nhà của chủ vựa ve chai cũ làm nơi ở cho 20 phụ nữ “đồng nghiệp”. Chị sẽ đứng ra thu mua ve chai cho mọi người.
Chị Hồng nói: “Chị lo lắng lắm, bởi chị mới học tới lớp 2 nên không viết được, còn đọc chữ thì mới biết sơ sơ, tính tiền hay bị nhầm nữa. Thôi thì mình liều một phen chứ sao?”.
Chị Hồng giờ đã biết chữ, tính tiền làm ăn.
Nghĩ là làm, chị Hồng đi tìm thuê một căn nhà trọ với số tiền 9 triệu đồng/tháng để mở vựa ve chai.
Để biết viết chữ, tính toán, chị Hồng nhờ con gái ruột mua sách tập đọc, làm phép tính cấp tiểu học về bày cho chị học. Cứ mỗi tối, chị Hồng được con gái “kèm cặp” những chữ cái, phép tính đơn giản.
“Thấy con gái khen chị đọc, ghi và làm phép tính mà chị cười lắm! Từ trước giờ không nghĩ sẽ có ngày học thế này, cứ mãi mua ve chai bán kiếm tiền nuôi gia đình thôi”, chị Hồng khoe.
Niềm vui của chị Hồng khi giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh nghèo khó.
Ngoài học chữ, làm phép tính để bán ve chai, chị Hồng còn nhờ con gái tạo tài khoản zalo, facebook để tiện chụp hình hóa đơn, trao đổi nhanh với các công ty. Chính vì thế, công việc làm ăn trở nên trôi chảy hơn rất nhiều.
Ngoài những thay đổi đã kể, chị Hồng cũng không giấu nổi những suy tư trăn trở. Trước khi mở vựa ve chai, thuê nhà cho mọi người ở, chị chỉ đi thu mua ve chai về bán lại. Tuy số tiền lời không được bao nhiêu nhưng chị không phải lo nghĩ.
Vượt qua tất cả khó khăn, chị Hồng luôn nghĩ về điều tốt đẹp.
Còn bây giờ, gánh nặng tiền lời để trả tiền thuê nhà, lo đầu ra cho vựa ve chai khiến chị nhiều đêm cũng trằn trọc không yên giấc.
“Làm chủ cũng lắm cái cực em ơi, ai bảo làm chủ là sướng?! Chị tin là mình sẽ vượt qua được. Thấy niềm vui của mọi người mà mình giúp đỡ, được con cái động viên, chị bớt âu lo và hi vọng về điều tốt đẹp”, chị Hồng trải lòng.
Theo Viết Dũng (Trí Thức Trẻ)