Câu nói “Sinh viên xếp hàng mua cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn là không có lòng tự trọng” của anh V.T.A, một người từng có đóng góp cho sự phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên, đang dấy lên luồng ý kiến trái chiều tranh cãi gay gắt.
Vào thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, thì với 2.000 đồng, người dân ở TP.HCM không đủ để gửi xe, thậm chí là không mua nổi một ly trà đá, gói mì. Nhưng có một nơi mà với số tiền ít ỏi ấy, người nghèo hay sinh viên khó khăn vẫn có thể mua được một phần cơm trưa đầy đủ dinh dưỡng, đó chính là những quán cơm từ thiện 2000 đồng.
Quán cơm tình nghĩa, nơi chất chứa biết bao tình cảm của “người bán” và nhận được rất nhiều sự trân trọng, mang ơn từ “người mua”. Tuy mỗi suất cơm chỉ có giá 2.000 đồng nhưng đã giúp hàng trăm con người vượt qua cơn đói lòng.
Thế nhưng, mới đây, dòng chia sẻ đầy bức xúc của anh V.T.A đã dấy lên luồng tranh cãi vô cùng gay gắt.
Nguyên văn dòng status của anh V.T.A trên facebook cá nhân như sau: “Hôm nay tôi sững sờ khi thấy hàng chục sinh viên xếp hàng để ăn cơm từ thiện. Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng. Tôi cẩn thận hỏi các anh bên cạnh – các anh nói sinh viên hôm nào cũng tới đông lắm. Trong lòng xót xa!…”.
Đính kèm với status là hình ảnh rất nhiều bạn sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng ở quận 1, TP.HCM.
Ngay khi những dòng chia sẻ của anh V.T.A được lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Để hiểu rõ được quan điểm của các bạn sinh viên về lời chỉ trích “sinh viên cướp miếng ăn của người nghèo” chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội và đã nhận về rất nhiều những ý kiến khác nhau.
Một số người lên tiếng đồng tình với nhận xét của anh T.A khi cho rằng sinh viên sức dài vai rộng hoàn toàn có thể làm thêm để kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Bạn Trần Anh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, các bạn sinh viên chỉ cần làm một công việc bình thường, thu nhập ở mức vừa phải là cũng đủ phục vụ cho việc ăn uống nên không đến mức phải dùng những suất cơm của những người nghèo như thế.
“Nhìn chung thì lượng sinh viên đến ăn cơm từ thiện mỗi ngày rất đông. Cá nhân mình thấy khá khó hiểu và thất vọng khi thanh niên đầy đủ tay chân, trí óc lại không tự lao động để kiếm ăn mà phải đi ăn những bữa cơm dành cho những người thực sự có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Một công việc làm thêm bình thường cũng đủ thu nhập phục vụ cho những như cầu sinh hoạt hàng ngày vì thế không có lí do gì để bão chữa cho việc ỷ lại cả”.
Hay bạn Kiều Quân, sinh viên năm nhất trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng có chung quan điểm: “Mỗi ngày quán cơm cũng chỉ có một số suất cơm nhất định, nếu như những bạn sinh viên có đủ khả năng để tự chi trả cho việc ăn uống cũng đến đây mua cơm với giá 2000 đồng thì chẳng phải quá bất công với những người công nhân lao động, hoặc những người thu nhập quá thấp sao”
Nguyễn Vũ Huệ Anh, sinh viên năm 4 trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ:“Đúng là sinh viên có học thức thì cơ hội kiếm được việc làm sẽ cao hơn. Vì vậy nếu ăn thường xuyên là không được. Nhưng trong trường hợp hy hữu thì ăn một bữa cũng không sao. Chẳng may đúng vào hôm hết tiền và chưa có lương hay hoàn cảnh cực kì khó khăn mà lại bị mất cắp chẳng hạn.
Nói chung là, không thể đánh giá phiến diện như vậy được. Anh T.A đâu có theo sát được các bạn, đâu có hiểu được hoàn cảnh của từng sinh viên. Kể cả hỏi thăm những người dân cũng vậy thôi, họ chỉ biết họ nghèo còn đâu có biết sinh viên cũng khó khăn không kém”.
Những bạn sinh viên trong vai trò là tình nguyện viên phục vụ bữa cơm từ thiện
Bạn Phạm Thi, sinh viên năm thứ 4 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền lên tiếng: “Lòng tự trọng không thể hiện ở điều đó, nhất là chỉ qua một vài bức ảnh. Bởi biết đâu đó có thể là một vài trải nghiệm thì sao. Họ muốn tự mình chứng kiến suất cơm 2000 để thấu hiểu, trân trọng hơn những giá trị ấm áp đời thường. Chẳng phải, chính sinh viên là những thanh niên tình nguyện từng đóng góp rất nhiều trong các hoạt động xã hội như mở ra quán cơm từ thiện sao? Với mỗi người đều có một cách hiểu về lòng tự trọng riêng. Cần suy xét vấn đề một cách toàn diện, không thể vì một hành động, trong một lần mà kết luận này nọ được”.
Bạn Ngô Thục Trinh, sinh viên trường Đại học Lao động Xã hội cũng có suy nghĩ tương tự: “Thật ra em thấy các bạn sinh viên bây giờ đều đi làm thêm rất nhiều và mức thu nhập từ việc làm thêm có thể khiến các bạn rủng rỉnh hơn trong việc chi tiêu. Nhưng cũng có nhiều bạn sinh viên rất khó khăn, họ đi làm thêm nhưng mang áp lực nuôi sống chính bản thân mình, thậm chí là giúp đỡ gia đình vì nhà quá nghèo khó. Thế nên việc ăn cơm từ thiện 2.000 của các bạn sinh viên là bình thường, không có gì phải nói nặng lời thế cả. Mà những bạn nghèo, khó khăn mới phải thế, chứ có tiền thì chẳng bạn nào làm như vậy đâu”.
Có thể thấy, đồng tình hay phản đối, chấp nhận hay bác bỏ thì tất cả đều là ý kiến thuộc về cá nhân. Trong khi đó, để đánh giá hay bình phầm về “lòng tự trọng” của một con người thì không thể chỉ qua một hình ảnh, một hành động hay một lời nói, mà nó cần qua cả một quá trình lâu dài.
Suy cho cùng, việc ăn cơm từ thiện đều xuất phát từ chính cuộc sống quá khó khăn của mỗi người. Hiện nay, không ít sinh viên không những chỉ tự lập, chi trả tiền học phí mà còn phải phụ giúp chi tiêu trong gia đình. Bởi vậy, dù đúng hay sai thì hãy bao dung với tất cả để bữa cơm từ thiện thực sự ấm lòng, thực sự cao cả đúng như cái tâm của những người làm nên nó.
Nguồn: yan.vn