Chuyện tình cảm động của thầy giáo dạy vẽ bị tật nguyền

Bị liệt tứ chi sau một vụ tai nạn giao thông, anh không có khả năng đi lại hay tự phục vụ mình. Nhưng trời không lấy của anh hết tất cả, bằng nghị lực phi thường, anh vẫn có thể dạy vẽ và đã có một mái ấm gia đình.

Đám cưới không có chú rể đón dâu

Trong hai gian nhà cấp 4 ở thôn Mỹ Duệ, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh của thầy giáo Nguyễn Đình Huấn tràn ngập các bức phác thảo. Ít ai tin đó là sản phẩm của một người bị liệt tứ chi, ngồi trên xe lăn, chỉ duy nhất cử động được cổ tay nhấc lên nhấc xuống. Thế nhưng, chỉ với một chiếc nẹp bút gắn ở cổ tay, thầy Huấn đã hướng dẫn cho hàng trăm học trò từng nét vẽ, từng kỹ thuật hội họa cơ bản để thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng có môn năng khiếu như xây dựng, kiến trúc, nhạc họa…

enter image description here Vợ chồng anh Huấn và cậu con trai kháu khỉnh.  Ảnh: K.G

Bế cậu con trai gần 3 tuổi tên Nguyễn Minh Đức đứng cạnh chồng, chị Nguyễn Thị Huyền – vợ thầy giáo Huấn ngượng nghịu mắng yêu con khi cu cậu đòi sà vào lòng bố: “Con ngoan, để yên cho bố làm việc nào”. Nhưng trước vòng tay bé nhỏ của con quàng vào cổ bố, anh Huấn buông cây bút vẽ, cố đỡ cậu con trai bé bỏng vào lòng và thơm lên má cu cậu. Người đã gieo hy vọng vào người đàn ông khuyết tật ấy chính là người vợ dũng cảm gắn cuộc đời mình với anh.  

Năm 2009, sau vụ tai nạn giao thông, anh Huấn phải trải qua quá trình điều trị ở nhiều bệnh viện, sau đó gia đình đưa anh đến châm cứu tại chùa Ngòi gần nhà. Đây cũng là địa chỉ cưu mang, giúp đỡ người tàn tật. Tại đây, anh gặp chị Nguyễn Thị Huyền, quê Yên Dũng (Bắc Giang). Do di chứng của bệnh sởi từ bé, chị Huyền bị liệt nửa người bên phải. Dù từ khuôn mặt đến tay chân đều cử động khó khăn, xiêu vẹo, nhưng với sự thảo hiền, hay lam, hay làm, mỗi khi hết thời gian điều trị, chị lại hết lòng chăm sóc, giúp đỡ những người bệnh nặng hơn. Hình ảnh ấy khiến anh Huấn xúc động. Nhưng nghĩ bản thân tàn tật, không có khả năng làm chồng, làm cha, anh cũng không dám nghĩ chuyện xa hơn.

Hiểu được nỗi lòng của con trai út, mẹ anh Huấn đã bắt chuyện, mời chị Huyền về nhà tiếp tục giúp đỡ anh Huấn sau quá trình điều trị ở chùa. Cảm phục tài năng và tấm lòng nhân hậu, nhẹ nhàng của anh, chị Huyền đã đem lòng yêu thương.

Nói đến hôn nhân của mình, chị Huyền khẽ nghẹn ngào. Đã là vợ chồng 4 năm nay, nhưng bệnh tật chưa cho phép anh một lần đặt chân đến nhà ngoại, chỉ mẹ anh thay anh về Bắc Giang đặt lễ, xin chị về làm dâu.

Nhắc đến đám cưới không có chú rể đón dâu, chị lặng đi giây lát. Chỉ đến khi bước chân vào nhà chồng, thấy chú rể cười rạng rỡ ngồi trên xe lăn ôm bó hoa nhỏ đợi giây phút trao gửi cô dâu, lòng chị mới dịu lại, nước mắt hạnh phúc trào ra. Tìm thấy một nửa của mình, có thêm người nâng đỡ, chăm sóc hàng ngày, anh Huấn càng thêm động lực sống. Anh vẽ nhiều hơn, dạy được nhiều học trò hơn.

Anh Huấn bị liệt tứ chi, đêm tân hôn cũng chỉ có cái ôm nhẹ với vợ bằng đôi bàn tay yếu ớt. Cũng là phụ nữ, mẹ anh Huấn thấu hiểu ánh nhìn buồn bã của chị Huyền mỗi khi có đứa trẻ chạy ngang cổng nhà. Bà khuyên con dâu: Hãy tìm ai cho một đứa con, bà và anh Huấn sẽ coi đó như con cháu trong nhà. Nhưng lòng yêu chồng không cho phép chị Huyền làm việc đó. Chị âm thầm hỏi han và quyết định đưa anh lên Hà Nội xét nghiệm. Khi biết anh có thể thụ tinh nhân tạo, chị bàn với gia đình chồng vay mượn để thực hiện mơ ước có con với anh. Sau 3 lần ngược xuôi bệnh viện với chi phí cả trăm triệu đồng, chị đã mang thai và sau đó hạ sinh bé Đức kháu khỉnh, giống cha như đúc.

Niềm vui đan xen với những ngậm ngùi rất phụ nữ. Bởi sau những nỗ lực để mang thai từ tinh trùng của chồng, chị còn phải một mình đi khám thai, phút sinh nở cũng không có anh bên cạnh. Nằm ở bệnh viện, nhiều sản phụ có chồng chăm sóc, đón đưa, thậm chí có người thắc mắc, sao chị đi sinh con không có chồng, chị chỉ ngậm ngùi cười nhẹ cho qua.

Bế con về mái ấm có anh ngồi trên xe lăn đón đợi, một lần nữa lòng chị dịu lại, mọi nỗi buồn tủi chợt tan biến. Đón nhận niềm vui vô bờ khi cậu con trai kháu khỉnh ra đời, anh Huấn miệt mài luyện tập để được khỏe hơn, để có thể vẽ nhiều hơn, dạy được nhiều học trò hơn.

Vẽ bằng trái tim

enter image description here Bà Vy lắp bút vào tay cho con trai.  Ảnh: K.G

Vụ tai nạn giao thông 10 năm trước khiến người thầy – họa sĩ Huấn bị giập đốt sống cổ, chấn thương sọ não, sau đó liệt toàn bộ cơ thể. Quyết không đầu hàng số phận, anh lắp giá vẽ vào cánh tay liệt, dạy vẽ cho hàng trăm học sinh thi đỗ vào các trường đại học.

Nhắc lại chuyện cũ, bà Nguyễn Thị Vy – mẹ thầy Huấn vẫn rưng rưng nước mắt. Huấn là con trai út trong gia đình có 3 người con. Từ nhỏ, Huấn đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Tốt nghiệp loại giỏi Trường Cao đẳng Nhạc họa T.Ư, Huấn trở thành giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Cổ Thành, Chí Linh, Hải Dương. Do vẽ đẹp có tiếng trong vùng, Huấn vừa đi dạy, vừa tham gia các dự án cần hội họa của nhiều cơ quan, đơn vị. Anh cũng vẽ rất nhiều tranh, ấp ủ mở một phòng tranh vào một ngày không xa…

Giáp Tết năm 2007, Trường Mầm non Cau Đức ở Chí Linh đang xây dựng, mời Huấn tham gia trang trí, hoàn thiện đồ dùng dạy học cho trường. Hôm đó, xong việc ở trường mầm non, Huấn đi xe máy về nhà trọ trong tiết trời mưa rét, nhá nhem tối. Anh đã va vào một chiếc xe container, văng ra ngoài, người không xây xước gì nên ai cũng nghĩ anh choáng một lúc sau sẽ tỉnh. Vài giờ sau vẫn thấy Huấn bất tỉnh, chỉ thấy nước mắt ứa ra, gia đình đưa Huấn vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thì được xác định anh bị giập đốt sống cổ, chấn thương sọ não.

Nhìn cha mẹ già, anh chị em dồn hết sức cứu mình, rồi cha qua đời với nỗi đau đáu về con trai, Huấn nghĩ nhiều lắm. Anh quyết tâm phải sống có ích. Nhờ bạn bè giúp đỡ, anh có một giá gắn bút lắp vào cánh tay, khó nhọc tập viết, tập vẽ trở lại.

Năm 2010, thấy các em học sinh trong vùng có năng khiếu hội họa, muốn thi vào các trường đại học, cao đẳng phải lặn lội ra tận Hà Nội để tìm thầy học vẽ, có những em gia đình khó khăn không có đủ tiền theo học phải bỏ dở ước mơ của mình, Huấn đã nhờ mẹ gọi các em đến học vẽ. Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy Huấn đông dần lên, học trò ở các vùng lân cận cũng tìm đến theo học. 7 năm qua, thầy Huấn đã dìu dắt được hơn 150 học trò thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Học trò có gia cảnh bình thường, mỗi tháng anh chỉ lấy vài trăm nghìn tiền điện nước, giấy bút. Học trò nào nghèo, hoàn cảnh khó khăn, anh nhận dạy miễn phí.

Đưa ánh mắt trìu mến về phía người vợ cặm cụi trong góc bếp, anh Huấn bảo: “Cảm ơn đời đã đưa cô ấy đến với tôi. Cô ấy hiền lành, ít nói, nhưng chăm chỉ lo việc nhà và chăm con, vì thế tôi cũng yên tâm. Tôi cần phải làm việc và rèn luyện để bù đắp tất cả thiệt thòi của một người chồng, người cha tàn tật dành cho vợ con. Căn nhà nhỏ của tôi ấm áp từ khi có mẹ con cô ấy”. 

Theo Dân Việt

SHARE