Chuyện gì xảy ra nếu như bạn nhìn thẳng vào Mặt Trời? Đừng tự thử, hãy để khoa học giải thích

Theo các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gây nắng nóng hàng đầu là do Mặt Trời.

Ta vẫn được bố mẹ dặn là đừng bao giờ nhìn trực tiếp vào Mặt Trời, thậm chí ra đường nhiều khi còn được dặn là đừng nhìn trực tiếp vào chỗ mà người ta đang hàn, ánh sáng chói ấy sẽ ảnh hưởng tới mắt chúng ta. Nhưng bạn có tò mò xem điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn làm trái lời cha mẹ? Vậy thì đừng tự thử, hãy để khoa học giải thích.

Vào giây phút bạn tiến hành “đọ mắt” với Mặt Trời, nhãn cầu của bạn sẽ bắt đầu bị bỏng.Trong ba loại tia mà Mặt Trời sản sinh ra (tia sáng nhìn thấy được, tia hồng ngoại và tia cực tím), thì tia cực tím – UV là tia ảnh hưởng nặng nề nhất tới cấu trúc của mắt, đặc biệt là khi chúng bị phản chiếu lại thông qua bề mặt cát, tuyết hoặc nước.

Các tế bào trong giác mạc (lớp mỏng trong suốt nằm ngoài cùng của mắt) sẽ bị bỏng và phồng lên, rồi nứt ra trước tác động của tia cực tím, cũng giống với da người khi cháy nắng vậy. Triệu chứng bệnh này được biết tới với cái tên viêm giác mạc ánh nắng (photokeratitis), thường sẽ xuất hiện vài tiếng sau khi tổn thương mắt bởi ánh nắng trực tiếp diễn ra. Những triệu chứng bệnh còn bao gồm việc chảy nước mắt liên tục, viêm mô và hình tượng hơn, đó là bạn sẽ có cảm giác như dùng giấy ráp để đánh mắt vậy. May mắn cho chúng ta là căn bệnh này chỉ kéo dài trong vòng 36 giờ và có thể được ngăn chặn bằng việc đeo kính râm có thể chống tia cực tím.

Nếu “chịu khó” nhìn thẳng vào Mặt Trời lâu thêm chút nữa, võng mạc mắt bạn sẽ bị tổn thương. Những tế bào nhạy cảm ánh sáng nằm sâu trong mắt mang nhiệm vụ chuyển hình ảnh nhìn thấy lên não sẽ phải làm công việc mà chúng không được sinh ra để làm, nhìn thẳng vào Mặt Trời, sẽ có thể phải chịu tổn thương vĩnh viễn. Mặc dù vậy, mắt sẽ không đau như bị viêm giác mạc ánh nắng.

Khi mà các tế bào cảm thụ ánh sáng bị kích động mạnh, chúng sẽ tiết ra hàng loạt hóa chất nhằm cảnh báo cơ thể ta. Nếu như duy trì tình trạng này lâu, chính những chất ấy sẽ ảnh hưởng tới những mô xung quanh. Triệu chứng này sẽ kéo dài từ một tháng cho tới một năm, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của mắt. Có những trường hợp mắt hồi phục đều đặn trong khoảng thời gian 12 tháng, có những trường hợp mắt hồi phục cực nhanh trong tháng đầu tiên, rồi giữ nguyên trạng thái trong vòng 18 tháng trước khi tiếp tục tự phục hồi tiếp.

Khi võng mạc đã “chịu đủ cay đắng”, đã đủ hư hại mà bạn vẫn tiếp tục nhìn vào Mặt Trời, bạn có thể bị mù tạm thời. Việc phơi mắt ra trước tia cực tím sẽ gây hư hại điểm vàng nằm trong mắt (một bộ phận nằm tại vùng trung tâm võng mạc ở phần sau nhãn cầu, là nơi tập trung nhiều tế bào thần kinh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh, đảm nhận tới 90% thị lực; điểm vàng giúp nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh).

Con ngươi của chúng ta co lại khi gặp ánh sáng quá chói, nhưng nếu một lượng ánh sáng vẫn được tiếp tục đưa vào trong mắt, ánh sáng ấy sẽ được tập trung ở mô điểm vàng. Hư tổn trên những mô này có thể khiến điểm vàng bị thoái hóa, khiến cho thị lực của bạn bị tổn thương vĩnh viễn. Hãy tưởng tượng ra điểm đen hiện ra mỗi khi bạn bị đèn flash nháy cho một cái, và tưởng tượng tiếp rằng cái điểm đen đó vĩnh viễn nằm lại trên thị lực của bạn.

Dần dần, việc tiếp tục nhìn vào Mặt Trời sẽ khiến bạn bị mất thị lực hoàn toàn. Tia cực tím gây ra tổn thương nặng nề tại thủy tinh thể, gây hiện tượng mộng thịt (là một mô thịt phát triển hình tam giác hoặc hình cánh trên giác mạc. Nó thường xuất hiện ở góc trong hoặc góc bên ngoài của mắt; nó là một tổn thương lành tính, phát triển chậm). Tuy mộng thịt hầu như không có hại, nhưng khi nó lan ra toàn bộ mắt (do tổn thương gây ra bởi tia cực tím), thị lực sẽ bị ảnh hưởng. Nếu như không được chữa trị, mắt ta sẽ bị mù.

Nhìn thẳng vào Mặt Trời có hại, nhưng nếu sử dụng kính viễn vọng hoặc ống nhòm để nhìn thì còn hại gấp vài lần nữa. Cũng như cách bạn dùng kính lúp để thiêu mấy con kiến vậy, làm thế chẳng khác nào tự thiêu mắt mình bằng một cái kính viễn vọng. Những thiết bị nhìn xa này sẽ tập trung ánh sáng Mặt Trời vào một điểm, khiến cho cấu trúc mắt bị tổn thương nặng nề và có thể gây mù vĩnh viễn ngay lập tức. Cách an toàn nhất là gắn một tấm lọc Mặt Trời vào kính viễn vọng để quan sát quả cầu lửa trên cao kia.

 Tấm lọc Mặt Trời (solar filter).

Tấm lọc Mặt Trời (solar filter).

Trích dẫn lời của phó giáo sư Ralph Chou từ Khoa Thị lực Đại học Waterloo

Chỉ có thể nhìn trực tiếp Mặt Trời khi sử dụng một tấm lọc được thiết kế đặc biệt để bảo vệ mắt. Đa số những tấm lọc này được làm từ hợp kim crom hoặc có một lớp nhôm mỏng có thể làm suy giảm bức xạ gây ra bởi ánh sáng nhìn thấy được và tia hồng ngoại“.

Dù là Mặt Trời là thứ đem lại sự sống cho Trái Đất này, nó cũng có thể lấy đi chính thứ gì nó đã ban cho ta, hoặc ít ra là lấy đi đôi mắt của ta. Nghe lời người lớn dặn nhé, đừng nhìn trực tiếp vào quả cầu lửa nóng cháy và hằn học kia.

Theo trithuctre
SHARE