Chính sách khoa học – công nghệ của Hàn Quốc trong các cuộc cách mạng công nghiệp

Sợi chỉ đỏ dẫn dắt sự phát triển thần kỳ – “kỳ tích sông Hàn” của quốc gia này là phát triển khoa học – công nghệ.

Hàn Quốc bắt tay vào khôi phục kinh tế trong khi thế giới đang ở thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ hai, là thời kỳ điện năng thế chỗ cho máy hơi nước. Trải qua 50 năm, từ một nước nghèo, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, gia nhập nhóm các nước kinh tế phát triển và ngày nay đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) – Nguồn: PV

Chính sách khoa học – công nghệ qua các cuộc cách mạng công nghiệp

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, khi còn trong giai đoạn lấy phát triển công nghiệp nhẹ làm trọng tâm, Hàn Quốc thông qua kế hoạch 5 năm xúc tiến khoa học – công nghệ. Đi liền với bản kế hoạch này là việc ban hành một loạt luật, như Luật Phát triển khoa học – công nghệ, Luật Phát triển công nghiệp điện tử, thành lập Ủy ban pháp luật về Xúc tiến khoa học – công nghệ.

Cùng với việc xây dựng hệ thống luật pháp để tạo hành lang pháp lý cho phát triển khoa học – công nghệ, năm 1966, với sự quyết liệt của tổng thống Park Chung Hee, quốc gia này đã thành lập Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology – KIST). Nhận thức công nghệ là tối cần thiết cho công nghiệp hóa, KIST có hai chức năng cơ bản: một là, nghiên cứu các công nghệ sản xuất mà các công ty đòi hỏi; hai là, thay đổi phương thức giáo dục, ứng dụng các lý thuyết vào các mục tiêu thực tiễn.

Cách tiếp cận thị trường của KIST cũng khác hẳn với những viện nghiên cứu trước đó của Hàn Quốc. Nếu như trước đây sau khi đạt được kết quả nghiên cứu mới tìm kiếm khách hàng mua những kết quả nghiên cứu đó, thì KIST đặt vấn đề ngược lại là trước hết cùng khách hàng lựa chọn mặt hàng để nghiên cứu, sau đó cùng khách hàng nghiên cứu khi nhận được tiền hợp đồng.

Năm 1967, Tổng cục Khoa học kỹ thuật được thành lập. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trong số các nước đang phát triển có cơ quan cấp bộ về khoa học kỹ thuật. Cùng thời gian này, Quốc hội nước này đã thông qua Luật Bồi dưỡng khoa học – công nghệ, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật, công nghệ mới trong nền kinh tế.

Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Hàn Quốc chuyển trọng tâm chính sách công nghiệp từ công nghiệp nhẹ sang phát triển công nghiệp nặng. Năm 1973, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chính sách ưu tiên công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất với 6 lĩnh vực chiến lược được lựa chọn là sản xuất thép, máy móc, đóng tàu, điện tử, hóa chất, kim loại màu.

Cùng thời gian này, Hàn Quốc thành lập mới Cục Xúc tiến công nghiệp và Cục Bản quyền nhằm thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật của nước ngoài cũng như nghiên cứu trong nước trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất. Năm 1973, Hàn Quốc phát động “Cuộc cách mạng khoa học hóa toàn dân”. Trên cơ sở Luật Hỗ trợ cơ quan nghiên cứu đặc biệt, Hàn Quốc thành lập thành phố nghiên cứu Daedeok nhằm thu hút các nhà khoa học, đầu tư tư nhân vào lĩnh vực khoa học – công nghệ.

Để khuyến khích các hoạt đông nghiên cứu phát triển của các tổ chức tư nhân, trong thời gian này, Hàn Quốc tiến hành sửa đổi Luật Xúc tiến phát triển khoa học – công nghệ. Kết quả là chỉ trong vòng 10 năm (1970 – 1980), tỷ trọng chi phí nghiên cứu khoa học – công nghệ từ khu vực kinh tế tư nhân Hàn Quốc tăng từ 28% lên 47%.

Sớm nhận thấy những hạn chế trong việc ứng dụng khoa học – công nghệ từ các nước phát triển, trong những năm 1980, Chính phủ Hàn Quốc xác định việc nâng cao năng lực kỹ thuật, công nghệ tự chủ trở thành vấn đề then chốt cho phát triển trong giai đoạn mới. Do vậy, Hàn Quốc đã tập trung vào hai nhiệm vụ: thúc đẩy các họat động nghiên cứu từ khu vực tư nhân và đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ các nhà khoa học – công nghệ.

Việc ban hành Luật Tổ chức khoa học Hàn Quốc đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt viện nghiên cứu tư nhân. Nếu như năm 1981 mới có 53 viện nghiên cứu tư nhân thì sau 10 năm có 1.000 viện, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cho nghiên cứu khoa học – công nghệ chiếm tới 80,6% vào năm 1990.

Cùng thời gian này, Hàn Quốc thành lập Đại học Khoa học – công nghệ Hàn Quốc; hợp nhất Viện Khoa học Hàn Quốc với Viện Nghiên cứu khoa học – công nghệ Hàn Quốc thành Viện Khoa học – công nghệ Hàn Quốc nhằm tăng sức mạnh kết nối khoa học công nghệ với thực tiễn sản xuất, cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các viện nghiên cứu tư nhân và chính phủ.

Năm 1990, ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, với việc gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc bước vào đội ngũ các nước phát triển. Các chính sách khoa học – công nghệ chuyển trọng tâm sang phát triển kỹ thuật, công nghệ mới. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra Dự án phát triển công nghệ hàng đầu (Dự án G7) với sự tham gia của Bộ Khoa học – công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giao thông xây dựng, Bộ Môi trường, Bộ Y tế. Đây là dự án đầu tiên lên kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân, tập trung vào các lĩnh vực, như công nghiệp IT, chất bán dẫn, thông tin truyền thông, năng lượng hạt nhân, công nghệ vũ trụ, hải dương…

Hiện nay, Hàn Quốc bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như một sự tiếp nối những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về tích hợp ngành chế tạo với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Trọng tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là mạng internet vạn vật (IoT). Để tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần rất nhiều yếu tố cấu thành, như cảm ứng thông minh, tự động hóa nhà xưởng, rô-bốt, xử lý dữ liệu lớn, trao đổi hàng hóa thông minh, bảo mật. Trong cuộc cách mạng mới này, tất cả các công đoạn, từ sản xuất tới phân phối, lưu thông hàng hóa, sẽ đều có những biến chuyển mang tính bước ngoặt.

Để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năm 2016, Hàn Quốc thành lập “Hội đồng Chính phủ và tư nhân về ngành công nghiệp mới”, do Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) và Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và tài nguyên làm đồng Chủ tịch. Mục tiêu của Hội đồng này là chuẩn bị một lộ trình sẵn sàng cho ngành công nghiệp Hàn Quốc để có thể bắt kịp xu thế công nghiệp mới. Căn cứ đề xuất của Hội đồng, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố “Phương hướng, đối sách cho thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vào cuối năm 2017.

Tác động của khoa học – công nghệ đến phát triển kinh tế – xã hội

Có thể rút ra phương thức tác động của cách mạng khoa học – công nghệ đến “kỳ tích sông Hàn” ở một số điểm sau:

Một là, lập kế hoạch phát triển khoa học – công nghệ song hành với kế hoạch phát triển kinh tế. Ngay từ thời kỳ bắt tay vào công nghiệp hóa trong những năm 1960, Hàn Quốc đã nhận thấy, cho dù có tiếp thu nguồn vốn từ nước ngoài để xây dựng nhà máy mà không tự lập được về công nghệ thì khó có thể bảo đảm có được lợi nhuận. Do vậy, Hàn Quốc đã sớm xây dựng các chính sách nhằm tự chủ về công nghệ, đặt ưu tiên hàng đầu cho chính sách “tạo ra và làm vững mạnh nền tảng cơ bản khoa học – công nghệ”.

Nền tảng cơ bản này, trước hết được cho là phải xây dựng được hệ thống luật pháp và chính sách, chế độ cho phát triển khoa học – công nghệ thích ứng trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; thành lập các tổ chức nghiên cứu và các cơ quan hỗ trợ hành chính liên quan tới khoa học – công nghệ để hỗ trợ cho công nghệ công nghiệp. Coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, như đào tạo nghề, thành lập hệ thống các trường đại học kỹ thuật.

Sau đó, trong các kế hoạch phát triển đất nước 5 năm tiếp theo, Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện một cách nhất quán các chính sách để củng cố nền tảng khoa học – công nghệ, như ban hành các luật chính sách liên quan đến kỹ thuật công nghiệp, như luật bồi dưỡng doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật, luật bồi dưỡng cơ quan nghiên cứu đặc thù.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ ba, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tách Viện Nghiên cứu khoa học – công nghệ Hàn Quốc (KIST) thành nhiều viện nghiên cứu chuyên môn (các viện nghiên cứu do chính phủ tài trợ, như viện cơ khí, hóa học, tàu biển hải dương học, thông tin điện tử, viện tiêu chuẩn) khiến số lượng cơ quan nghiên cứu tăng lên và trở nên đa dạng hơn.

Hai là, Hàn Quốc liên tục đổi mới hệ thống tăng trưởng và chính sách bồi dưỡng năng lực kỹ thuật và công nghệ theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Trong nửa thế kỷ qua, “hệ thống đổi mới quốc gia” được thay đổi theo các bước từ áp dụng công nghệ đến nội địa hóa công nghệ và cải tiến và phát triển công nghệ. Có thể thấy rõ điều này qua những sự kiện điển hình sau:

Trong lĩnh vực tiếp thu công nghệ, Hàn Quốc thành lập nhà máy lắp ráp TV đen trắng (năm 1966) thông qua hình thức doanh nghiệp nước ngoài và xây dựng nhà máy hóa dầu Kombinat qua hình thức đầu tư tập trung (1975). Trong giai đoạn này, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân còn yếu kém nên các viện nghiên cứu công đóng vai trò chủ đạo trong việc học hỏi và tiếp thu công nghệ nước ngoài, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Chính sách quan trọng của giai đoạn nội địa hóa công nghệ là việc cơ cấu lại công nghiệp theo hướng tập trung vào nội địa hóa công nghiệp nặng. Trong giai đoạn này, Hàn Quốc kết hợp kỹ thuật của nước mình với kỹ thuật tiên tiến mới được tiếp thu từ nước ngoài để bắt đầu tự sản xuất ra sản phẩm. Trong ngành công nghiệp ô-tô, chiếc ô-tô nội địa đầu tiên mang tên Poni đã ra đời vào năm 1976; trong ngành công nghiệp bán dẫn, năm 1983, Hàn Quốc đã sản xuất được 64K DRAM. Ở giai đoạn nội địa hóa công nghệ, số lượng doanh nghiệp công nghệ tư nhân và số lượng trường đại học, viện nghiên cứu đã tăng lên nhanh chóng, điều này đã khiến Hàn Quốc bắt đầu làm chủ được khả năng nghiên cứu.

Cuối cùng là, giai đoạn Hàn Quốc tự cải tiến và phát triển công nghệ (giữa những năm 90 đến những năm 2000). Hàn Quốc có được sức cạnh tranh trên thế giới trong các ngành công nghiệp chủ lực và bắt đầu tự phát triển các công nghệ dẫn đầu thế giới, công nghệ tiên tiến vượt trội. Hàn Quốc đặt ra tiêu chuẩn cho ngành thông tin di động không dây quốc tế (năm 1994) khi lần đầu tiên trên thế giới phát minh ra 64M DRAM (năm 1992) và làm ra công nghệ CDMA.

Hơn nữa, thông qua việc liên tục nghiên cứu phát triển động cơ máy móc, Hàn Quốc bắt đầu xuất khẩu động cơ với tính năng được cải tiến ra thị trường nước ngoài (năm 2004). Trong giai đoạn này, cả doanh nghiệp tư nhân lẫn các trường đại học tất cả đều sở hữu năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ công nghiệp ở trình độ cao.

Hàn Quốc trải qua các giai đoạn thay đổi và củng cố “hệ thống đổi mới quốc gia” và đã thành công trong việc phát triển như một nước theo sau nhưng tiến với tốc độ nhanh (fast follower). Trong giai đoạn đầu, trình độ phát triển công nghệ định hướng đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp; nhưng từ sau năm 2000, đã chứng kiến sự tiếp nối của việc nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển quốc gia và sự trưởng thành của các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực ICT ở Hàn Quốc. Cùng với việc làm chủ công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực cao cấp, Hàn Quốc đã trở thành “đầu tàu” tiến bước vào nhóm các nước có thu nhập trên trung bình. Từ năm 2000 về sau, Hàn Quốc được gọi là người theo sau thông minh (smart follower) và người mở đường (path mover).

Ba là, phát triển khoa học – công nghệ là yếu tố cơ bản nhất quyết định thành công của chiến lược quốc gia hướng về xuất khẩu. Trong chiến lược kinh tế, các quốc gia đang phát triển trên thế giới lựa chọn hai chính sách: thay thế nhập khẩu hay hướng về xuất khẩu. Hàn Quốc là quốc gia tiêu biểu trong việc theo đuổi chính sách định hướng xuất khẩu ngay từ giai đoạn đầu phát triển kinh tế.

Quốc gia này đã thực thi hệ thống kinh tế mở để nuôi dưỡng ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực công nghệ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy, các nước có nguồn lực hạn chế (ngoài yếu tố con người), lại là những quốc gia có khả năng phát triển mạnh nhất. Nhật Bản và Hàn Quốc có nguồn lực rất khiêm tốn nhưng đã tận dụng được cơ hội của thời đại và đưa ra những chính sách thích hợp để không ngừng cải thiện khả năng sản xuất, thích ứng với thời đại.

Trong quá trình phát triển công nghiệp, Hàn Quốc luôn tạo ra những cuộc “khủng hoảng” tích cực mà ở đó nếu các công ty Hàn Quốc chưa sở hữu được những nguồn công nghệ dẫn đầu, họ luôn xem đó là nỗi thất vọng và luôn cố gắng để bắt kịp. Và khi đã bắt kịp, họ lại tạo ra “khủng hoảng” để luôn sáng tạo nhằm không bị bắt kịp. Nhờ vậy, Hàn Quốc có thể thực hiện được các cuộc bứt phá về công nghệ để đuổi kịp phương Tây và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực.

Theo Kham Pha

SHARE