Nghiên cứu mới đây của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) phát hiện, công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể tạo ra kết quả không chính xác trong bối cảnh công nghệ này được triển khai rộng rãi trên nhiều lĩnh vực thực thi pháp luật, giám sát an ninh tại sân bay, biên giới, trường học…
NIST đã phân tích 189 thuật toán nhận diện khuôn mặt từ 99 nhà phát triển, gồm Tập đoàn phần mềm Microsoft (Mỹ), Công ty công nghệ sinh trắc học Cognitec (Đức), các hãng công nghệ Trung Quốc như Megvii, SenseTime, Hikvision và Tencent; dùng những thuật toán đó nhận diện hàng triệu bức ảnh do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cung cấp, ảnh xin visa cũng như nhiều ảnh chân dung khác do chính phủ nắm giữ, gồm những bức ảnh được chụp tại các cửa khẩu biên giới.
Dù tồn tại nhiều lỗi lớn nhưng công nghệ nhận diện khuôn mặt rất được “chuộng” tại Trung Quốc. Ảnh: AFP
NIST nhận thấy, tỷ lệ “nhận diện nhầm” của công nghệ nhận diện khuôn mặt đối với người châu Á và người Mỹ gốc Phi cao gấp 100 lần so với người da trắng, trong khi nó cũng gặp khó trong việc xác định giới tính. Theo đó, NIST phát hiện ra 2 thuật toán gán sai giới tính dành cho phụ nữ da màu. Điểm đáng lo ngại là nó xác định sai người lớn tuổi nhiều gấp 10 lần so với người trung niên.
Nghiên cứu trên được thực hiện trong bối cảnh công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng một cách rộng rãi. Nhiều người xem công nghệ này như là công cụ quan trọng để truy bắt tội phạm cũng như theo dõi những kẻ khủng bố, trong khi các công ty công nghệ xem nó là “chìa khóa” để giúp xác định người trong ảnh chụp hoặc thay cho mật khẩu để mở khóa điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng những lỗi trên có thể dẫn đến việc bỏ tù những người vô tội. Nghiêm trọng hơn, công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể dùng để tạo ra cơ sở dữ liệu dễ dàng bị tấn công hoặc được sử dụng sai mục đích. Trong năm nay, các thành phố của Mỹ như San Francisco, Oakland và Berkeley thuộc tiểu bang California hay Somerville và Brookline thuộc tiểu bang Massachusetts đã cấm chính quyền sử dụng công nghệ này.
“Việc nhận diện sai có thể dẫn đến lỡ chuyến bay, khiến cho các cuộc thẩm vấn kéo dài, thậm chí là dẫn đến việc cảnh sát bắt giữ sai người. Các cơ quan chính phủ gồm FBI, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cũng như các cơ quan thực thi pháp luật địa phương phải ngay lập dừng triển khai công nghệ này. Ngay cả các nhà khoa học của chính phủ cũng xác nhận rằng nó tiềm ẩn nhiều thiếu sót và cho ra kết quả sai lệch” – Jay Stanley, nhà phân tích chính sách cao cấp của Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, trong một tuyên bố cho biết.
Nghiên cứu trên góp phần củng cố kết quả nghiên cứu trước đó của Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng hệ thống nhận diện khuôn mặt của một số công ty công nghệ lớn có tỷ lệ chính xác thấp hơn nhiều trong việc xác định phụ nữ, khuôn mặt người da màu so với khuôn mặt nam giới da trắng. Dù vậy, công nghệ này rất được “chuộng” ở nhiều nước. Năm nay, nhiều quan chức Cục Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đã bị sa thải do sử dụng công nghệ này phân tích giấy phép lái xe của hàng triệu người khi chưa có sự cho phép của họ.
Theo baocantho