Cẩn thận khi nuôi chó cảnh

Chó cảnh có thể là nguồn mang mầm bệnh vô cùng nguy hiểm cho con người, đó là ký sinh trùng gây bệnh.

Ngày càng có nhiều người nuôi chó cảnh. Điều đáng lưu ý là chó cảnh có thể là nguồn mang mầm bệnh vô cùng nguy hiểm cho con người, đó là ký sinh trùng gây bệnh.

Thời gian gần đây, khái niệm “bệnh sán chó” đã len lỏi và tràn khắp trong cộng đồng dân cư, nó đã làm cho rất nhiều người hoang mang lo sợ về căn bệnh này vì không hiểu biết tường tận về bệnh.

Bệnh do ấu trùng giun đũa chó ở người

Đây là bệnh truyền nhiễm mà nguồn lây chính là từ chó nuôi trong nhà có mang mầm bệnh, nhất là chó con. Từ chó, sau khi trứng giun được thải ra theo phân, chúng phát triển thành trứng có phôi, nó tồn tại rất lâu ở môi trường bên ngoài, có thể trong nhiều tháng và chính những trứng có phôi này là tác nhân lây nhiễm cho người. Khi chúng ta ăn phải thức ăn, nước uống chứa trứng có phôi của ấu trùng giun đũa, khi đó trở thành người nhiễm bệnh. Vào cơ thể người, ấu trùng được phóng thích vào ruột non, sau đó chúng đi theo đường máu di chuyển đến các tạng khác nhau, tại đây chúng có thể sống nhiều năm dưới dạng tự do hay hóa kén, nhưng không bao giờ phát triển thành con trưởng thành.

Chó cảnh mang ký sinh trùng gây bệnh cho con người. Nguồn ảnh: internet

Các biểu hiện của bệnh rất đa dạng cho nên dễ nhầm với các bệnh khác, thông thường bệnh có hai nhóm biểu hiện chính, đó là hội chứng ấu trùng di chuyển trong nội tạng và bệnh toxocara ở mắt, tuy nhiên đây cũng không phải là triệu chứng đặc thù của bệnh. Ngoài ra, bệnh còn có thể được biểu hiện bởi nhóm thứ ba nhưng nhóm này ít gặp, thường chỉ có biểu hiện trên những người có kết quả xét nghiệm toxocara dương tính với một số dấu hiệu như đau bụng, suyễn, dị ứng kéo dài.

Bệnh Toxacara nội tạng:

Triệu chứng của bệnh thường nghèo nàn, rất giống với triệu chứng của nhiều bệnh khác bởi những dấu hiệu không điển hình sốt, gan to, lách to, ho kéo dài, viêm phổi, ăn không ngon, xanh xao, mệt mỏi, suy kiệt, ngoài ra còn có thể có dấu hiệu về thần kinh: cứng cổ, rối loạn vận động…

Bệnh Toxocara ở mắt:

Các trường hợp bệnh ở mắt rất ít gặp nhưng biểu hiện của bệnh cũng rất đa dạng nhất là ở trẻ em, bệnh thường có nhiều thể khác nhau như: viêm màng bồ đào, viêm ở đáy mắt…Trong trường hợp này chỉ có thể dựa vào xét nghiệm huyết thanh và xét nghiệm dịch lấy từ phòng trước và thủy tinh thể ở mắt để chẩn đoán bệnh, trong đó dịch ở mắt thường cho kết quả chính xác cao hơn ở huyết thanh.

Bệnh sán dãi chó

Sán dãi chó là một bệnh khác hẳn với bệnh do ấu trùng giun đũa chó về tác nhân gây bệnh, mầm bệnh là ấu trùng của loài sán dãi có tên khoa học là Echinococcus granulosus. Sự lây nhiễm xảy ra là do chúng ta khi ăn hoặc uống phải thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh trong đó. Mầm bệnh này thường được tìm thấy ở chó, cừu và những loại thú nuôi khác.

Mặc dù tỉ lệ nhiễm và mắc bệnh loại này không cao nhưng hậu quả của chúng rất nguy hiểm. Khi trứng của ký sinh trùng vào cơ thể người, chúng sẽ tạo thành những nang, chúng cư trú và phát triển trong nội tạng của người như: gan, phổi, não và các cơ quan khác. Ở đó, các nang này tồn tại và phát triển rất thầm lặng qua nhiều năm. Khi kích thước đủ lớn để có thể chèn ép hoặc gây xuất huyết bên trong cơ thể thì chúng sẽ bùng phát và gây bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh sán dãi chó có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào và cho bất kỳ người nào nếu thường tiếp xúc với chó và những vật nuôi khác. Mầm bệnh thường được tìm thấy trong phân chó, do vậy những người thường tiếp xúc với chó là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh.

Sán dãi chó là một bệnh có thể không có triệu chứng gì cả trong suốt hàng chục năm sau khi bị nhiễm, vì những u nang sán phát triển rất chậm và khi chúng chưa đủ kích thước thì chúng sẽ chưa có những biểu hiện của bệnh. Những triệu chứng của bệnh thường rất mơ hồ như: cảm giác đau vùng có u nang, yếu cơ, mệt mỏi hoặc sụt cân. Trên một số người còn có thể có các dấu hiệu khác: ngứa ngáy, ho, đau ngực, sốt và tiêu ra máu. Khi đó nếu tiến hành việc khám bệnh, xét nghiệm để tầm soát thì có thể tìm thấy được nguyên nhân gây bệnh vì có thể phát hiện những u nang.

Việc điều trị bệnh sán dãi chó tùy thuộc vào vị trí của u nang và những triệu chứng do u nang gây ra. Phương pháp điều trị thông thường là phẫu thuật để cắt bỏ u nang, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công, bên cạnh đó phải kết hợp với việc sử dụng thuốc để làm cho u nang không phát triển trở lại.

Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Đây là một bệnh truyền nhiễm, chúng được lây truyền từ chó nuôi trong nhà do đó chúng ta có thể phòng ngừa được hoàn toàn. Để phòng ngừa cần thực hiện những biện pháp cơ bản sau

– Thường xuyên cho súc vật nuôi uống thuốc tẩy giun sán.

– Không nên tiếp xúc với súc vật nuôi khi chưa tẩy giun sán.

– Phải rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc hoặc chơi đùa với súc vật nuôi.

– Phải rửa sạch trái cây trước khi ăn nhất là loại trái cây không phải gọt vỏ khi ăn .

– Đối với trẻ em, cần hạn chế việc nghịch đất, cát, không đi chân đất.

– Đối với người lớn khi lao động, làm việc ở những môi trường ngoại cảnh bị ô nhiễm cần sử dụng các phương tiện bảo hộ như đi ủng, mang găng tay.

– Không cho chó ngủ chung.

– Cần giữ vệ sinh nhà cửa, chỗ nằm của chó sạch sẽ.

– Tránh để chó đi phân bừa bãi quanh nhà.

– Khi thấy có triệu chứng bất thường về mắt, thần kinh, tiêu hóa phải đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Theo Suckhoedoisong

SHARE