Cảnh báo căn bệnh ‘lạ’ do trẻ ham chơi game, xem ti vi nhiều

Chiều 10/8, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 – TP Hồ Chí Minh đã cho biết, gần đây, số trẻ mắc hội chứng có tên khoa học là “TIC” nhập viện điều trị có phần gia tăng đột ngột với trung bình từ 5-7 ca/ngày.

Trẻ nhập viện với nhiều triệu chứng đồng loạt như: bị co giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi, thậm chí nôn ói. Cha mẹ vội đưa con tới BV mới giật mình khi bác sĩ thông tin: nguyên nhân từ chơi game, smartphone.

BS Nguyễn Quang Vinh, Khoa Nhiễm – Thần kinh – BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một vấn đề rất cần được phổ biến rộng rãi cho các phụ huynh.

Có ca điển hình như bé trai 10 tuổi bỗng đột ngột co giật cơ mặt, cơ mắt, gia đình đưa đi khám Nhãn khoa nhưng bác sĩ không tìm ra bệnh của Mắt, hoàn toàn bình thường. Sau đó, tiếp tục vào khám tại BV Nhi đồng 1, các bác sĩ tại đây phải loại trừ các khả năng khác về bệnh lý thần kinh, mới có kết luận chính thức: bé bị hội chứng TIC.

TIC là các cử động hoặc âm điệu không bình thường, phổ biến nhất là có triệu chứng máy, giật cơ trên khuôn mặt và cổ như nháy mắt, gật lắc đầu, nhếch mép, nhíu mũi… Đặc trưng của dấu hiệu TIC âm điệu bao gồm: các âm hèm trong họng, lẩm nhẩm, phát ra các âm thanh như tiếng gáy hoặc tiếng ho, đó là những hành động vô thức của trẻ.  Thấy con bỗng nhiên xuất hiện các triệu chứng này thì cha mẹ nào cũng lo lắng nhưng phải đi đúng chuyên khoa, tại nhiều nơi bác sĩ chưa nắm được cũng khó phát hiện ra đúng bệnh.

(SOS) Cảnh báo căn bệnh
Một trong những bệnh Nhi có hội chứng “TIC” đang được khám, theo dõi tại BV Nhi Đồng 1 – TP Hồ Chí Minh.

BS Vinh cũng cho biết, khoảng 90% ca mắc TIC không rõ nguyên nhân. Trong đó, có một số yếu tố có thể dẫn đến khởi phát “rối loạn TIC” ở những trẻ chơi game, chơi smartphone hoặc xem tivi quá nhiều.

Theo phân tích, khi trẻ chơi game, sử dụng điện thoại hay xem tivi quá nhiều, mắt và thần kinh luôn trong trạng thái tập trung cao độ dẫn đến căng thẳng, không chỉ làm tăng các tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) mà còn là nguyên nhân khởi phát “rối loạn TIC”.

Với những trẻ bị TIC, thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để làm dịu thần kinh của trẻ, một số trường hợp nặng phải điều trị tâm lý kèm theo, nhưng chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng do hội chứng này không điều trị dứt điểm được.

BS Vinh cũng khuyến cáo, vào đầu hè, số ca mắc TIC tăng nhiều hơn do trẻ được nghỉ học, tập trung nhiều ở độ tuổi 4-10 tuổi. Nhiều trẻ uống thuốc có đỡ nhưng khi ngưng thuốc, gia đình bỏ lơi giám sát, trẻ lại bị tái lại. “Đây là hội chứng không thể điều trị triệt để, khả năng tái phát rất cao nên các bậc cha mẹ cần hạn chế con em chơi game, điện thoại di động thậm chí cả thời lượng xem tivi. Dịp hè nên cho trẻ ra ngoài nhiều hơn, vận động, hoạt động tập thể để tránh ngồi trong nhà bên máy tính, điện thoại”. Bác sĩ Vinh nhấn mạnh.

Theo Tintuc

SHARE