Bê bối gây rúng động quân đội: Bán đất làm sân golf, ăn chia hơn 16 triệu USD

Bốn cựu sĩ quan, trong đó có một cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) đã bị Tòa án Tối cao Islamabad khởi tố vì làm thất thoát hơn 16 triệu USD tiền bán đất dự án sân golf trong vòng một thập niên.
Nghi ngờ
Cục Trách nhiệm Giải trình Quốc gia Pakistan (NAB) bắt đầu đặt nghi vấn về một đường dây làm thất thoát tài sản công từ đầu thập niên 2010. Theo đó, 4 cựu sĩ quan quân đội cùng đường dây phạm tội của họ bị cáo buộc chuyển hàng trăm hec-ta đất đường sắt ở Lahore cho một công ty Malaysia vào năm 2001 với giá bán được nhật báo Dawn, tờ báo tiếng Anh lâu đời bậc nhất đất nước, mô tả là “rẻ như cho”.

Các tướng lĩnh trong quân đội Pakistan.

Gần 10 năm sau khi ăn chia trót lọt khoản tiền 2 tỷ rupee, tương đương 16,25 triệu USD, để phát triển và hoàn thiện sân golf có tên “Royal Palms Gold & Country Club”, những chứng cứ phạm tội đầu tiên của nhóm sĩ quan đã được các công tố viên thu thập. Tòa án Tối cao Islamabad. Trong một tuyên bố hồi tháng 2/2018, cho rằng các sĩ quan quân đội không được phép trốn tránh trách nhiệm, dù đã nghỉ hưu và chuyển sang công tác khác..

Đầu sỏ trong giới quân sự, người được xem là thao túng vụ tham nhũng triệu đô này là Bộ trưởng Đường sắt Javed Ashraf Qazi. Ông từng là Giám đốc ISI và là cựu chỉ huy quân đoàn Peshawa danh giá. Bằng các mối quan hệ trong quân đội, Qazi đã hiệp thương và bán mỗi m2 đất đường sắt với giá chỉ 4 rupee, thay vì 52,43 rupee như giá thị trường. Khuôn đất rộng hàng trăm hec-ta bị thất thoát hơn 4,8 tỷ rupee, tương đương hơn 39 triệu USD. Gần một nửa số tiền này rơi vào túi 4 tướng tá quân đội do Qazi cầm đầu. Số còn lại được các công ty đường sắt, xây dựng và đối tác Malaysia ăn chia.

Vụ việc từng bị đặt dấu hỏi hồi tháng 9/2012 và cả 4 tướng lĩnh cũng bị tòa ra trát triệu tập, nhưng không hiểu vì lý do gì, vụ tham nhũng trên bị ỉm đi. Ít ngày sau đó, Ủy ban Kế toán công của Quốc hội hủy bỏ thỏa thuận giữa nhóm của Qazi với tòa án và thuê một công ty kiểm toán nước ngoài có uy tín để giám sát toàn bộ sự việc, diễn ra từ năm 2001. Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội Pakistan ủng hộ quyết định này và đề nghị truy tố toàn bộ thành viên của Ủy ban điều hành đường sắt, nếu họ có dấu hiệu phạm tội.

Sau hơn 5 năm điều tra, những khuất tất đã được lôi ra ánh sáng. Qazi bị phát hiện dính líu tới nhiều dự án mờ ám khác, như đường cao tốc Peshawar – Rawalpindi, nơi ông bị đồn là đã đút túi 2% tiền hoa hồng.

Javed Ashraf Qazi, trùm đầu sỏ trong vụ thất thoát 39 triệu USD của Pakista

Dù vậy, trong một buổi phóng vấn trên BBC, vị tướng quân quân đội Pakistan vẫn lớn tiếng thách thức dư luận. Ông nói: “”Tôi không bị điên đến mức từ chức khi mới chỉ nghe những tiếng sủa réo tên tôi. Nếu tôi ra đi, chẳng ai đủ tài để ngồi vào chiếc ghế đó”.
Tướng quân đội cũng bị sờ gáy
Giống như nước láng giềng Ấn Độ, tham nhũng được xem là quốc nạn của Pakistan. Hồi năm 2016, có ít nhất 6 tướng tá, trong đó gồm 1 trung tướng, bị khai trừ khỏi quân đội vì dính líu tới việc nhận hối lộ. Tờ New York Times mô tả vụ việc này như là một scandal chấn động tại quốc gia Hồi giáo. Toàn bộ tài sản của 6 vị sĩ quan quân đội bị tịch thu. Mọi đặc quyền, đặc lợi của họ từ quân đội bị cắt, và họ chỉ được nhận lương hưu tới cuối đời.

Tổng tham mưu trưởng liên quân Pakistan, tướng Raheel Sharif, người trực tiếp phê duyệt quyết định tịch thu tài sản khẳng định: “Sự tín nhiệm của các tướng lĩnh vô cùng quan trọng với sự đoàn kết, thống nhất và thịnh vượng của đất nước này”. Ông cũng cho rằng, Pakistan không thể chống khủng bố hiệu quả nếu không dẹp yên được vấn nạn tham nhũng.
Trước đó, vào năm 2015, nhiều tướng quân đội Pakistan đã liên đới trong vụ “Hồ sơ Panama”. Sự việc nghiêm trọng tới mức Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif phải nhận án tù 10 năm vì tội tham nhũng. Con gái của ông, bà Mariam Nawaz cũng bị xác định có tội và nhận án phạt 7 năm tù. Số tiền mà hai cha con cựu Thủ tướng Sharif phải đền bù lên đến hơn 80.000 USD.

SHARE