“Đến hẹn lại lên”, cứ sau mỗi đợt mưa kéo dài, dịch đau mắt đỏ lại có dấu hiệu xuất hiện, gây lo lắng cho người dân. Cùng lắng nghe BS Trần An chia sẻ về bệnh này và cách phòng ngừa – điều trị an toàn, hiệu quả nhé!
PGS-TS-Bác sĩ cao cấp Trần An Nguyên PGĐ phụ trách Bv Mắt Trung Ương
Những điều cần biết về dịch đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây nên với triệu chứng thường gặp là đỏ mắt.
Theo BS Trần An, đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao vào giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10, sau những đợt mưa dai dẳng. Đây là thời điểm thuận lợi cho virus phát triển mạnh. Ngoài ra, môi trường khói bụi, thói quen vệ sinh, việc dùng chung đồ cá nhân,… cũng góp phần khiến đau mắt đỏ bùng phát thành dịch bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ lây lan tương đối nhanhqua đường hô hấp, nước bọt, thói quen dụi mắt hay sự tiếp xúc với nguồn bệnh.…Một người nhiễm bệnh có thể lây cho cả gia đình và lan ra cộng đồng.
Biểu hiện thường gặp của bệnh đau mắt đỏ
Bệnh nhân đau mắt đỏ thường có cảm giác cộm, xốn mắt như có cát hay dị vật rơi vào; mắt khó chịu, đau nhẹ và mờ thoáng qua. BS Trần An cho biết, bệnh đau mắt đỏ còn có các biểu hiện khác như:
- Chảy nhiều nước mắt.
- Mẩn đỏ, ngứa và sưng mắt.
- Cảm giác đau, cộm liên tục.
- Có dịch màu trắng đục (nếu là đau mắt do nhiễm virus hoặc dị ứng).
- Có dử mắt màu vàng và màu xanh lục từ mắt (do nhiễm khuẩn).
Biểu hiện của bệnh là đỏ mắt, ngứa và sưng mắt
Ảnh hưởng của đau mắt đỏ với cộng đồng
Dịch đau mắt đỏ có khả năng lây truyền rất nhanh ở phạm vi rộng.Đầu năm nay dịch đau mắt đỏ đã xuất hiện và số lượng bệnh nhân tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu.
Đa số trường hợp bệnh đau mắt đỏ tự hết sau 7 đến 14 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng chỉ định, bệnh có thể để lạinhiều biến chứng như viêm, loét giác mạc…,dẫn đến suy giảm thị lực sau này. Chính vì vậy, bệnh đau mắt đỏ cần được quan tâm và điều trị đúng cách.
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh đau mắt đỏ
Tuy dễ lây lan nhưng đau mắt đỏ thường lành tính, ít để lại di chứng. BS. Trần An gửi đến bạn đọc những phương pháp đơn giản để phòng bệnh trong mùa dịch này:
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
- Không dụi tay vào mắt.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân và nhất là thuốc nhỏ mắt.
- Hạn chế sử dụng hồ bơi công cộng khi có dịch đau mắt đỏvà tránh tiếp xúc với những vật dụng có nguy cơ truyền bệnh.
- Đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường.
Theo BS, khi dấu hiệu đau mắt đỏ xuất hiện, bệnh nhân cần:
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn, kháng viêm và kháng Histamine. Nên chọn những loại thuốc nhỏ mắt có chứa hoạt chất chống các bệnh nhiễm trùng mắt, trị viêm kết mạc, viêm mí mắt và ngứa mắt.
- Rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc các loại sát trùng, sát khuẩn sau mỗi lần lau mắt, tra thuốc.
- Cần phơi nắng hoặc sát trùng đồ dùng cá nhân như: chăn, gối…
- Để riêng giấy, bông lau mắt vì đây là nguồn nhiễm bệnh.
- Không tự ý điều trị bằng mẹo dân gian.
- Người bệnh nên cách ly để hạn chế nguy cơ lây lan.
BS khuyến cáo, nếu sau 5-7 ngày sử dụng thuốc mà bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân cần đến các cơ sở nhãn khoa để thăm khám. Những bệnh như viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn, tăng nhãn áp cũng gây ra triệu chứng đỏ mắt với một vài biểu hiện tương tự nhưng không phải là đau mắt đỏ. Những bệnh lý kể trên cần phải được chẩn đoán và điều trị phù hợp, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Theo Suckhoedoisong