Dạy trẻ cách chi tiêu thông minh với học phần tài chính

Quản lý tiền, chi tiêu khôn ngoan và giải quyết rủi ro liên quan đến tiền bạc là những nội dung trong học phần quản lý tài chính tại trường Tesla dành cho học sinh ngay từ bậc tiểu học

Theo Tiến sĩ Thẩm Huyền Anh, đồng thời là giảng viên trường Kinh Doanh. Đại học Middlesex London (Anh), việc nắm vững các kiến thức, kỹ năng liên quan đến quản lý tiền hiệu quả rất quan trọng. “Việc nắm các kiến thức, kỹ năng liên quan đến quản lý tiền hiệu quả sẽ giúp học sinh trở thành người tự chủ, độc lập và hiểu rõ bản thân mình muốn gì”, bà chia sẻ.

Theo tiến sĩ, tiền đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay và nó được dùng để định giá sức lao động và giá trị hàng hóa, dịch vụ. Mọi người dùng tiền để trao đổi những thứ mình cần và muốn. Tuy nhiên, kiếm được nhiều tiền không đồng nghĩa với việc cuộc sống được đảm bảo về mặt tài chính. Nếu không có kỹ năng quản lý chi tiêu hiệu quả hay không tiết kiệm, số tiền đó sẽ dần hết.

Tại Việt Nam hiện nay, cha mẹ, thầy cô và xã hội rất chú trọng việc trang bị kiến thức cho học sinh để sau này có thể kiếm được tiền. Tuy nhiên, việc dạy các em cách quản lý, sử dụng số tiền mình kiếm được một cách hiệu quả lại chưa được chú trọng.

Tiến sĩ Huyền Anh cho biết Hội đồng giáo dục trường Tesla đã xây dựng học phần tài chính nhằm giảng dạy cho học sinh các kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân. “Từ đó giảm những rủi ro khi chuyển giai đoạn làm người lớn, khi các em phải tự chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính của bản thân. Những kỹ năng này sẽ mang lại lợi ích lâu dài trong suốt cuộc đời của các em”, tiến sĩ cho biết.

Giáo dục tài chính tại Tesla đưa ra 4 chủ đề chính về kiến thức, kỹ năng và thái độ tài chính. Một là vai trò quan trọng của tiền bạc trong cuộc sống và cách để trả tiền cho những thứ mình cần. Làm thế nào để quản lý tiền, trở thành người tiêu dùng khôn ngoan và biết đánh giá các tiêu chí sản phẩm cũng nằm trong khung chương trình. Bên cạnh đó, học sinh sẽ tiếp cận các cách giải quyết những rủi ro và cảm xúc liên quan đến tiền bạc.

Học sinh nhỏ tuổi sẽ được dạy cách phân biệt các loại tiền như tiền giấy, tiền xu và cách đưa ra quyết định mua hàng qua các bài tập. Với học sinh lớn hơn. các em sẽ được dạy cách quản lý, tránh nợ nần. “Giáo viên sẽ truyền đạt cho học sinh một cái nhìn thực tế về tiền và nợ. Các em sẽ hiểu rằng nợ không nhất thiết là điều không tốt và cũng có những khoản nợ tệ hại”, tiến sĩ Huyền Anh phân tích.

Các bài học được thiết kế theo phương pháp chủ động với nhiều hoạt động thực hành các kỹ năng như tiết kiệm, lập ngân sách… Trong giờ học, các em được khuyến khích chia sẻ ý kiến quan điểm cá nhân, làm việc theo nhóm..

(Nguồn: Vnexpress)

SHARE