Không thể dùng Zoom, người dùng Việt loay hoay gỡ rối

Việt Nam đang có một khoảng trống lớn về các nền tảng họp trực tuyến. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội có thể vươn lên thống lĩnh thị trường.

Người Việt không nên dùng Zoom để họp trực tuyến

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã phát đi cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật của phần mềm Zoom.

Theo đó, có hơn 500.000 tài khoản Zoom đã bị lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng. Các thông tin bị rò rỉ bao gồm email, mật khẩu, đường dẫn URL các cuộc họp và mật khẩu kèm theo.

Tại Việt Nam, Zoom đang là phần mềm họp trực tuyến phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Ưu điểm của Zoom là khả năng tối ưu băng thông và dễ dàng khi sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm của phần mềm này nằm ở khâu bảo mật do khả năng mã hóa dữ liệu kém và cuộc họp dễ dàng bị dò quét ID.

Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam lo ngại về khả năng bảo mật của phần mềm Zoom. Ảnh: Trọng Đạt

Những lỗ hổng này đã có từ lâu nhưng đội ngũ kỹ thuật của Zoom vẫn chưa thể tìm cách tháo gỡ. Điều này càng khó khăn hơn trước sự gia tăng đột biến của số lượng người sử dụng Zoom do ảnh hưởng của đại dịch trên toàn cầu.

Mới đây, Cục An toàn Thông tin đã khuyến cáo các cơ quan, tổ chức nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng cần cân nhắc khi sử dụng phần mềm này. Động thái trên dường như đã đánh dấu chấm hết cho sự phát triển của Zoom tại thị trường Việt Nam.

Khoảng trống lớn về nền tảng họp trực tuyến

Nếu không tính đến Zoom, các nền tảng họp trực tuyến phổ biến tại Việt Nam gồm có Microsoft Teams, Skype (phiên bản miễn phí của Teams), Google Hangout, Google Meet, Gotomeeting hay thậm chí cả Messenger của Facebook.

Đây đều là các nền tảng ứng dụng họp và học trực tuyến của nước ngoài. Đặc điểm chung của các hệ thống này là chúng thường tiêu tốn một lượng lớn băng thông. Vậy nên để có thể hoạt động trơn tru, các nền tảng này cần một đường truyền Internet quốc tế đủ tốt và hoạt động ổn định.

Các giải pháp họp trực tuyến của nước ngoài thường gặp vấn đề giật “lag” do luôn cần một đường truyền Internet mạnh và ổn định. Ảnh: Trọng Đạt

Thông thường, để có thể hoạt động trơn tru, thời gian trễ hay “lag” của các cuộc họp trực tuyến phải nhỏ hơn 150ms. Đây là khoảng thời gian trễ tối thiểu để những người tham gia cuộc họp cảm thấy hình ảnh không bị mất tự nhiên.

Thế nhưng, có một thực tế là đường truyền Internet nối Việt Nam với quốc tế đang gặp vấn đề do sự cố của tuyến cáp quang biển AAG. Sự cố này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu băng thông quốc tế tăng cao do ảnh hưởng của đại dịch.

Điều này đã dẫn đến tình trạng người dùng luôn có cảm giác giật “lag” mỗi khi sử dụng các nền tảng họp trực tuyến ngoại. Vấn đề chất lượng đường truyền không phải là điều mà các nền tảng ngoại có thể tự khắc phục, dù cho đó có là Microsoft hay Google.

Để giải quyết bài toán này, hơn lúc nào hết, người dùng Việt Nam cần tới sự xuất hiện của các nền tảng họp trực tuyến trong nước.

Khác với các nền tảng ngoại, những doanh nghiệp nội sẽ không gặp phải hạn chế về chất lượng đường truyền do mạng lưới Internet cáp quang đã bao phủ rộng khắp. Tuy vậy, điểm yếu của các doanh nghiệp nội là chưa một nền tảng nào có giải pháp đủ mạnh với quy mô đủ lớn để giải quyết vấn đề.

Việt Nam cũng đã có một số giải pháp nền tảng họp trực tuyến trong nước, tuy nhiên chúng vẫn chưa thể đáp ứng được như kỳ vọng. Ảnh: Trọng Đạt

Đa phần giải pháp mà các doanh nghiệp nội cung cấp mới chỉ đáp ứng được nhu cầu họp, hội nghị trực tuyến theo điểm cầu tại nội bộ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu của người sử dụng hiện nay là rất lớn.

Do sự bùng phát của dịch bệnh, nhu cầu học tập và làm việc của người dân trực tuyến đang tăng vọt. Chính vì vậy, Việt Nam đang cần đến những nền tảng họp trực tuyến có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu ở mức hộ gia đình, xa hơn nữa là nhu cầu của từng cá nhân trên mỗi thiết bị di động.

Đại dịch đã gây xáo trộn và làm thay đổi hoạt động thường ngày của cả xã hội. Tuy nhiên, tình huống chưa từng có tiền lệ này đang tạo ra cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp nội trong việc cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nội cần ngay lập tức tạo ra những giải pháp họp trực tuyến đủ tốt để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Dù rất khó để thực hiện điều này trong ngày một ngày hai, tuy nhiên đây là thời cơ tốt nhất để các nền tảng nội giành lấy thị trường nội địa. Nếu thành công, lượng người dùng khổng lồ từ dịch vụ này sẽ trở thành bàn đạp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, biến Việt Nam trở thành nước mạnh về ICT.

Theo vietnamnet.vn

SHARE