Windows 7 bị khai tử, doanh nghiệp nên làm gì?

Theo thông báo từ phía Microsoft, công ty sẽ chính thức ngừng hỗ trợ Windows 7 từ ngày hôm nay 14/11, như vậy sẽ có rất nhiều máy tính đặc biệt từ phía doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng.

Với việc Windows 7 chính thức bị khai tử, nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Microsoft, nếu tiếp tục sử dụng máy tính cá nhân (PC) chạy Windows 7, người dùng sẽ không nhận được bất kỳ bản cập nhật phần mềm và bảo mật nào nữa. Ngoài ra, dịch vụ khách hàng của Microsoft sẽ không còn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Windows 7.

“Mặc dù bạn có thể tiếp tục sử dụng Windows 7 trên máy tính của mình nhưng bạn sẽ không còn được cập nhật phần mềm và bảo mật. Vì vậy, nguy cơ máy tính bị virus và phần mềm độc hại tấn công là rất cao”, Microsoft tuyên bố trên trang web của mình. “Ngoài ra, dịch vụ khách hàng của Microsoft sẽ không còn có sẵn để cung cấp bất kỳ hỗ trợ kỹ thuật nào cho Windows 7”, Microsoft cho biết.

Theo NetMarketShare, tính đến tháng 11, số người dùng Windows 7 vẫn đang chiếm 26,86% tổng lượng người dùng hệ điều hành Windows. Trong khi đó, hệ điều hành hiện hành Windows 10 có thị phần lên tới 53,33%.

Hiện việc cập nhật phần mềm đối với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, bởi theo các chuyên gia về bảo mật, hiện hacker có thể tấn công từ xa vào hệ thống mạng, máy chủ doanh nghiệp qua những lỗ hổng trong quá trình xây dựng website, hay các ứng dụng web của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia từ BKAV, hiện nay một lượng lớn máy tính tại khối doanh nghiệp tư nhân và người sử dụng cá nhân vẫn chưa có hình thức phòng vệ cần thiết, chưa có phần mềm diệt virus bảo vệ thường trực, hoặc có phần mềm diệt virus nhưng không đủ mạnh. Theo thống kê của Bkav, tỷ lệ máy tính bị nhiễm mã độc trong năm 2019 tại Việt Nam vẫn ở mức rất cao 57,70%.

Chính vì vậy việc cập nhật phần mềm để tránh lây nhiễm mã độc, nhất là khi nhiều doanh nghiệp đang cài phần mềm “lậu” – không bản quyền – để tiết kiệm chi phí. Trong khi đây chính là con đường dễ dàng nhất để hacker tấn công hệ máy tính của doanh nghiệp. Trung bình, cứ 10 máy tính cài các phần mềm tải về từ Internet thì có tới 8 máy tính sẽ bị nhiễm viurs, đây là một tỷ lệ rất cao.

Với phần mềm hệ điều hành “lậu”, doanh nghiệp cần biết hệ điều hành là nơi ẩn chứa của các phần mềm độc hại, virus, trojan, spyware…từ các nguồn khác nhau trên Internet, từ các file đính kèm trong email… Chúng không phân biệt người dùng đang sử dụng hệ điều hành nào.

Nếu người dùng không sử dụng Windows bản quyền thì khả năng bị tấn công là cao nhất vì hệ điều hành lúc này không được sự bảo vệ chặt chẽ từ chính Microsoft như phần mềm diệt virus Microsoft Security Essentials miễn phí đi kèm, các lổ hổng bảo mật không được cập nhật, vá lỗi thường xuyên, hệ thống tường lửa không được sử dụng hết chức năng ngăn chặn các phần mềm gián điệp…, thậm chí cả phần mềm Microsoft Office như Microsoft Excel, Access, Outlook cũng có thể bị hacker chèn mã độc, đánh cắp thông tin.

Trong khi sử dụng phần mềm mới và có bản quyền sẽ được cập nhật thường xuyên các bản vá lỗ hổng từ nhà phát hành, như trong trường hợp này với hệ điều hành Windows 7 bị Microsoft ngừng cập nhật chắc chắn sẽ tạo nhiều lỗ hổng cho hacker lợi dụng như đã nói ở trên.

Chính bởi vậy, lời khuyên dành cho các doanh nghiệp chính là cập nhật lên Windows 10. Tuy nhiên, chi phí cho việc này sẽ là không nhỏ, bởi Microsoft cho biết người dùng Windows 7 sẽ có hai lựa chọn sau động thái mới của công ty. Theo đó, những ai sở hữu máy tính dưới ba năm tuổi có thể trả tiền để nâng cấp từ Windows 7 lên Windows 10, với mức phí từ 139 USD trở lên cho mỗi máy tính.

Microsoft ban đầu cung cấp một bản nâng cấp miễn phí lên Windows 10, nhưng việc này chỉ kéo dài cho đến ngày 29/7/2016.

Trong trường hợp máy tính của người dùng đã hơn 3 năm tuổi, Microsoft khuyên họ nên mua một máy tính mới chạy Windows 10.

Theo enternews

SHARE