Thuốc lá điện tử: Hiểu sao cho đúng?

Hiện mỗi nước có quan điểm khác nhau về việc sử dụng thuốc lá điện tử. Trong khi Anh, Nhật Bản và Pháp có nhiều quy định điều chỉnh các sản phẩm thuốc lá điện tử; New Zealand và Canada đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý đối với sản phẩm này, Mỹ “thả tự do” thì Thái Lan cấm hoàn toàn việc sử dụng.

Anh: 20.000 người bỏ thuốc nhờ thuốc lá điện tử

Báo cáo từ Viện Y tế Công cộng Anh (Public Health England) đã chỉ ra, thuốc lá điện tử có thể đã và đang giúp hàng chục nghìn người bỏ thuốc lá và đang có “nhiều sự hiểu lầm trong cộng đồng” về thuốc lá điện tử.

Cụ thể, khoảng ít nhất 20.000 người Anh đã bỏ được thuốc lá mỗi năm nhờ thuốc lá điện tử. Con số này còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Báo cáo được thực hiện trong năm 2018 của Viện Y tế Công cộng Anh được đánh giá là một trong những báo cáo nổi bật trong bối cảnh Chính phủ nước này công khai ủng hộ thuốc lá điện tử, nhất là sau khi sản phẩm này liên tục trải qua các cuộc kiểm định lớn tại quốc gia này.

Báo cáo cũng đồng thời chỉ ra, đã có “nhiều sự hiểu lầm trong cộng đồng” về nicotine với ít hơn 10% người trưởng thành hiểu được đa số các tác hại của việc hút thuốc không đến từ nicotine và so với thiếu lá điếu truyền thống thì thuốc lá điện tử ít nhất 95% ít độc hại hơn và gây ra rủi ro không đáng kể với người xung quanh. Viện Y tế Công cộng Anh cũng chỉ rõ trong báo cáo: “Nỗ lực bỏ thuốc lá thành công nhất đến từ những người kết hợp sử dụng thuốc lá điện tử với việc được tư vấn bởi các đơn vị có chuyên môn về cai thuốc lá”.

Trước đó, báo cáo về thuốc lá của Học viện Khoa học, kỹ thuật và Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, thuốc lá điện tử có khả năng gây ít tác hại hơn nhiều so với thuốc lá điếu truyền thống. Tổ chức Hành động về Thuốc lá và Sức khoẻ (Action on Smoking and Health) cũng ủng hộ nghiên cứu của Viện Y tế Công cộng Anh, cho rằng đây là một phần trong sự đồng thuận về nghiên cứu khoa học đang ngày một gia tăng và rằng, thuốc lá điện tử ít độc hại hơn nhiều so với thuốc lá truyền thống.

Mỹ biến thuốc lá điện tử thành “nỗi sợ sai lầm”

Thuốc lá điện tử du nhập vào Mỹ từ năm 2007 và chịu rất ít quản chế từ chính quyền Mỹ. Điều này khiến thị trường thuốc lá điện tử bất hợp pháp tại Mỹ phát triển rầm rộ. Mới đây, Hãng thông tấn AP đưa tin, trước tình trạng hàng trăm vị thành niên hút thuốc lá điện tử tại Mỹ gặp vấn đề về phổi, chính phủ Mỹ đã áp dụng một số biện pháp tình thế nhằm “hãm” tình trạng sử dụng lan tràn sản phẩm này. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ra thông cáo khuyên giới trẻ ngừng sử dụng thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa xác định được nhãn hiệu hay sản phẩm thuốc lá điện tử nào gây ra các bệnh về phổi. Ngoài ra, tuyên bố mới đây của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ có nêu rõ, các trường hợp bệnh và tử vong gần đây là do người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm vapour “hệ thống mở” để tiêu thụ các chất không thuộc mục đích sử dụng của thiết bị.

Những vụ việc tương tự đã không xảy ra ở quốc gia nơi có khung pháp lý mạnh mẽ và tiêu chuẩn chặt chẽ. Về các vụ việc liên quan đến vapour diễn ra ở Mỹ, tiến sĩ Deborah Arnott – Giám đốc Điều hành Tổ chức Hành động về hút thuốc và sức khỏe (ASH) – một tổ chức phi chính phủ kiểm soát thuốc lá cao nhất ở Anh – đã bày tỏ quan điểm: “Các vụ việc liên quan đến các bệnh tật do sử dụng vapour là đáng quan ngại, nhưng nó dường như có liên quan đến việc lạm dụng thuốc lá điện tử để sử dụng ma túy bất hợp pháp. Sự việc tương tự không diễn ra ở Anh, nơi có một hệ thống pháp lý thích hợp để kiểm soát thuốc lá điện tử có chứa nicotin. Những người sử dụng vapour không nên sợ hãi và quay trở lại hút thuốc do những tin tức về các chứng bệnh khi sử dụng vapour tại Mỹ. Những người đang hút thuốc cũng không nên tiếp tục hút thuốc thay cho việc chuyển sang dùng vapour. Tuy nhiên, điều cốt yếu là chỉ sử dụng các vapour hợp pháp được mua từ các nhà cung cấp có uy tín ở Anh và không mua các sản phẩm bất hợp pháp qua Internet.”

Giáo sư John Briton – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về thuốc lá và cồn Anh quốc – khẳng định: “Nếu yêu cầu người dân ruồng bỏ thuốc lá điện tử, người dân lại quay về với thuốc lá điếu truyền thống và thuốc lá điếu truyền thống gây nhiều bệnh chết người”.

Tại Anh, việc chính phủ ban hành luật cấm hút thuốc lá trong nhà vào cuối những năm 2000 được xem là động thái mở đường cho thuốc lá điện tử tại quốc gia này. Đáng chú ý, quý I/2019, Tạp chí khoa học Kiểm soát thuốc lá công bố một báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cardiff khẳng định, số người trẻ hút thuốc tại Anh đang giảm đều và thuốc lá điện tử không hề làm tăng nguy cơ hút thuốc trong giới trẻ. Tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá điện tử cũng đang trở nên phổ biến. Các chuyên gia đánh giá, để nhận định đúng cần có thêm nhiều nghiên cứu về thuốc lá điện tử và ảnh hưởng của chúng tới người dùng.


Về cơ bản, thuốc lá điện tử trên thị trường thường gặp ở 2 dạng sản phẩm chính: 1- Các sản phẩm hóa hơi (vapour products) và 2- Thuốc lá làm nóng (THPs). Sản phẩm hóa hơi sử dụng thiết bị chạy bằng pin, được thiết kế để làm nóng dung dịch, có chứa nicotine hoặc không, để tạo ra làn hơi cho người sử dụng hút vào. Đây là lý do khiến hành động sử dụng sản phẩm hóa hơi được gọi là “vaping” hay “vape”. Trong khi đó, thuốc lá làm nóng (THPs) cũng sử dụng thiết bị chạy bằng pin để làm nóng điếu thuốc mà không đốt cháy.

Theo congthuong.vn

SHARE