Thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 8 tỷ USD

Tỷ lệ người mua hàng trực tuyến qua 2 kênh website thương mại điện tử và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động đều tăng, và giảm với kênh mua sắm qua diễn đàn, mạng xã hội.

Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương phát hành. Theo số liệu được Sách trắng công bố, năm 2018, toàn ngành TMĐT B2C Việt Nam, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ đạt mức 8,06 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2017. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT cũng tăng vọt. Năm 2018, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2017 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%.

Vai trò của TMĐT cũng dần trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ TMĐT trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 4,2%; tăng 0,6% so với năm trước đó.

Với khoảng 60 triệu người sử dụng Internet, tỷ lệ người dùng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần trong năm đang ở mức khá cao, khoảng 70%; tương ứng 42 triệu người trong năm 2018.

Di động tiếp tục là thiết bị được ưu tiên hàng đầu khi mua hàng trực tuyến, khi chiếm 81% tỷ lệ đặt hàng. Trong khi đó, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến qua máy tính để bàn, máy tính xách tay đã có dấu hiệu giảm, chỉ còn chiếm 61% trong năm 2018 so với mức 65% của năm 2017

Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; Sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng; thiết bị đồ dùng gia đình, đồ điện tử,… là những sản phẩm được mua bán nhiều nhất qua các kênh TMĐT.

Ba kênh mua sắm trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là Website thương mại điện tử (74%); Diễn đàn, mạng xã hội (36%); và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động (52%). Trong đó, thị trường ghi nhận tỷ lệ người mua hàng trực tuyến qua 2 kênh website thương mại điện tử và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động đều tăng, và giảm với kênh mua sắm qua diễn đàn, mạng xã hội.

Chất lượng vẫn sản phẩm vẫn trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến, với 83% người tiêu dùng tham gia khảo sát lựa chọn. Tiếp đó là các trở ngại khác như: dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (47%); lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ (43%); giá cả đặt hơn mua trực tiếp hoặc không rõ ràng (37%); dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn kém (36%); website, ứng dụng bán hàng thiết kế không chuyên nghiệp (22%)…

Theo theleader.vn

SHARE