AirPods fake được bán với giá chỉ bằng 30 – 50% hàng chính hãng. Do giống cả về vỏ ngoài lẫn tính năng, rất khó để phân biệt giữa những chiếc AirPods fake và hàng xịn.
AirPods fake ngày càng rẻ hơn, rao bán tràn lan trên mạng
Kể từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 2016, AirPods đã làm thay đổi hoàn toàn ngành sản xuất tai nghe. Kể từ đây, người dùng di động đã dần chuyển sang sử dụng tai nghe không dây thay vì tai nghe có dây truyền thống.
Với không ít người, AirPods còn là biểu hiện cho sự “sang chảnh” và đẳng cấp. Chính bởi vậy mà trong khoảng 1 năm trở lại đây, AirPods đã trở thành một trong những mẫu tai nghe bị làm giả nhiều nhất trên thế giới.
AirPods fake với đầy đủ hộp và phụ kiện hệt như hàng chính hãng.
Dạo một vòng trên các trang mạng, không khó để tìm mua một chiếc tai nghe AirPods fake. Về mặt ngoại hình, những chiếc AirPods giả không khác gì so với hàng thật, kể từ kiểu dáng, phụ kiện cho đến vỏ hộp bên ngoài.
Đáng chú ý khi những chiếc AirPods giả còn được trang bị chip W1 tương tự như hàng thật. Nhờ thế mà nó cũng có các tính năng riêng biệt của AirPods như khả năng kết nối nhanh, chạm/gõ để tương tác hệt như ở hàng chính hãng.
AirPods fake có thiết kế giống như thật, được bán với giá chỉ bằng 30 – 50% hàng chính hãng.
Những chiếc AirPods hàng giả có giá bán rất rẻ. Giá của chúng thường dao động trong khoảng từ 1,2 – 1,5 triệu đồng. Nếu khéo mua, người dùng thậm chí còn có thể mặc cả để có giá tốt hơn một chút.
Do có tính năng, hình thức tương đương nhưng giá bán chỉ bằng 30 – 50% hàng chính hãng, không khó hiểu khi AirPods nhái vẫn được khá nhiều người dùng tại Việt Nam ưa chuộng.
Mẹo phân biệt AirPods fake
Bên cạnh những người ngay từ đầu đã chọn mua hàng giả, có không ít người bị lừa mua phải AirPods fake nhưng với giá bán của hàng thật. Chính bởi vỏ ngoài và các tính năng của hàng thật và giả tương tự như nhau, thậm chí đến cả các dân buôn cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của những trò lừa.
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, anh Ngọc Anh (Hà Nội) – một người chuyên buôn các sản phẩm xách tay cho biết, chính bản thân anh vừa bị dính phải “đòn đau” khi nhập nhầm lô AirPods giả.
AirPods giả có các chức năng hệt như hàng chính hãng. Người dùng có thể chạm vào một bên tai để chuyển bài, vuốt để tăng giảm âm lượng.
“Tôi mua một lô 6 chiếc AirPods 2 trên Ebay với giá 130 USD/chiếc. Thế nhưng khi hàng về đến tay, tôi mới nhận ra mình đã mua phải hàng giả”, anh Ngọc Anh nói. Sau sự cố đó, để gỡ vốn và giữ uy tín với khách, anh Ngọc Anh đã phải công khai lô hàng và bán tháo số AirPods fake với giá chỉ 1,5 triệu đồng.
Theo anh Ngọc Anh, AirPods giả có các chức năng hệt như hàng chính hãng. Người dùng có thể chạm vào một bên tai để chuyển bài, vuốt để tăng giảm âm lượng. AirPods giả chỉ khác hàng chính hãng ở điểm không có trợ lý ảo Siri.
Khi truy cập vào phần Cài đặt trên iPhone, những chiếc AirPods giả thường không hiển thị số Serial hoặc được cài sẵn một số Serial mặc định. Nếu là hàng thật, số Serial của máy sẽ hiển thị đầy đủ như trên hình.
Anh Ngọc Anh cũng cho biết, chất âm của AirPods fake nghe không kém hơn hàng thật, khả năng đàm thoại cũng được xếp vào loại ổn. “Pin của những chiếc AirPods giả duy trì được khoảng 3-4 giờ. Chúng cũng có tính năng sạc không dây, sạc nhanh 15 phút để dùng 60-90 phút”, anh Ngọc Anh nói.
Để phân biệt giữa hàng giả và hàng thật, vị chuyên gia này cho rằng, người dùng có thể check bằng cách vào mục setting (cài đặt) khi kết nối tai nghe với iPhone. Theo đó, với AirPods hàng fake, máy sẽ không hiện lên số serial. Người dùng cũng không thể đổi tên chiếc AirPods giả giống như khi ở trên hàng thật.
Nhìn chung, để tránh mua phải AirPods giả, người dùng nên tìm đến các cửa hàng uy tín. Sau khi mua AirPods, người dùng cũng nên bóc seal để kiểm tra tại chỗ bằng cách thử đổi tên tai nghe và check IMEI trên trang chủ Apple.
Theo vietnamnet.vn