Không thể cạnh tranh với nắng gió và bãi biển, khí hậu mát mẻ trên cao với các tỉnh khác về tiềm năng du lịch tự nhiên, nhưng Gia Lai lại sở hữu riêng một cao nguyên bazan rộng lớn với dấu tích nhiều núi lửa. Bước vào cuối Hạ sang Thu là mùa du lịch cao nguyên, khi mà loài hoa dại đặc trưng của thổ nhưỡng đất đỏ là hoa dã quỳ vàng rực trên các triền núi lửa, Gia Lai cũng bắt đầu mùa lễ hội.
Núi lửa Chư Đăng Y. Ảnh: TTH
Cao nguyên Pleiku cao khoảng trên 800m, khum hình mai rùa và phủ rộng bởi lớp đất mặt bazan tơi xốp màu mỡ. Đặc biệt là các vùng lưu vực dòng nham thạch núi lửa ngàn năm cũ bây giờ tạo nên các đô thị trù phú và phát triển. Thành phố Pleiku vốn là một khu vực dân cư ở trong lòng lưu vực nham thạch núi Chư H,Drông mở rộng ra.
Điều thú vị là những ngọn núi lửa đã tắt vẫn còn nguyên hình dáng đó, trở thành một biểu tượng của thành phố. Mỗi mùa hoa dã quỳ đến, người Gia Lai lại mở lễ hội hoa dã quỳ để thu hút khách du lịch. Trải qua 2 kì lễ hội hoa đã qua, sự hấp dẫn của miền cao nguyên chưa khi nào “mất nhiệt”.
Núi Chư H,Drông thường gọi là núi Hàm Rồng, là một miệng dương núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước, nghiêng xuống thành phố Pleiku. Vào mùa hoa dã quỳ trên núi, sắc vàng cả ngàn cánh hoa xuôi theo nắng vàng dịu của cao nguyên. Xung quanh sườn núi Chư H,Drông hiện trồng nhiều cây công nghiệp quen thuộc của Tây Nguyên và là thắng cảnh gắn liền với thành phố Pleiku. Về phía Bắc của thành phố là hồ T,nưng cũng là một miệng núi lửa, nhưng là miệng âm trũng xuống khỏi mặt đất. Đây là hồ trữ nước sinh hoạt cho cả Pleiku, thường gọi là Biển Hồ, được ví như đôi mắt Pleiku với hàng thông xanh rợp như hàng mi là khu rừng sinh thái điều hòa cho phố núi.
Cặp núi lửa âm dương Hàm Rồng – Biển Hồ không những là cảnh quan du lịch, còn có giá trị địa chất mà khách du lịch ít biết đến. Về phía địa phương, Gia Lai không phải là mảnh đất du lịch mũi nhọn và trên thực tế, địa phương này chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của mình. Trong đó, nét đặc sắc về giá trị địa chất và cuộc sống sinh động của cộng đồng các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn vẫn còn là những ẩn số.
Cách Pleiku hơn 30km về phía huyện Chư Păh của tỉnh Gai Lai, có một ngọn núi lửa đã tắt được cộng đồng các nhà địa chất học đánh giá là một trong số 10 ngọn núi lửa ấn tượng nhất thế giới. Đó là núi Chư Đăng Ya. 2 năm gần đây, tại làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, lễ hội hoa dã quỳ diễn ra nhiều hoạt động như leo núi, đêm hội cồng chiêng, thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương với các món ăn nhiều mùi vị núi rừng là cơm nướng, gà nướng, rượu ghè.
Vào mùa lễ hội, một con đường được mở ra lên đỉnh cao nhất của Chư Đăng Ya, vòng qua miệng núi hình trôn bát, sau đó đi xuống trong thảm hoa dã quỳ vàng rực. Đây là một “tour du lịch” đi bộ dã ngoại được du khách nước ngoài rất ưa chuộng. Cảm giác phấn khích khi đi trong lòng núi lửa, trên một miệng vực tựa như sân đấu trung cổ La Mã, bằng trũng ở giữa và các vách núi xung quanh vuốt lên dựng đứng. Điều thú vị là ngọn núi lửa này dù đã tắt hàng triệu năm, nhưng sự sống trên ngọn núi chưa bao giờ tắt. Nhịp sống vẫn tiếp diễn trong nó.
Dân địa phương gọi Chư Đăng Ya nôm na là củ gừng dại, vì hình dáng khù khoằm như củ gừng của nó. Và cũng là vì họ vẫn trồng cây lương thực hàng mùa trên đỉnh núi. Xung quanh miệng núi chỉ có chỗ đường dẫn từ lòng núi ra nơi dòng nham thạch triệu năm cũ đổ xuống là thấp hơn so với xung quanh. Đây cũng đồng thời là đường đi vào miệng núi lửa. Còn lại từng diện tích đất nhỏ nhất trên núi đều được dân địa phương chia nhau canh tác. Mùa xanh nhất của Chư Đăng Ya được bao phủ bởi cây dong giềng, những mùa khác là mì, đậu phộng, đậu quả và những loại cây có thể chịu hạn tốt.
Mùa khô, trên núi không có nước tưới cộng với nắng nung bỏng rát khiến nhiệt độ trong lòng núi luôn cao hơn bên ngoài từ 1 đến 3oC. Tuy nhiên, cây trồng ở trên này lại cho thu hoạch năng suất hơn bên dưới. Hàng triệu năm đã qua mà dấu vết của bụi tro than núi lửa vẫn cho mùa màng bội thu. Chỗ dòng nham thạch chảy xuống dưới hiện nay là cánh đồng của xã Chư Đăng Ya tiếp giáp với Biển Hồ – miệng âm núi lửa. Một dấu tích nữa về địa hình cõng trên lưng hệ thống núi lửa và sự sụt lún địa hào của cao nguyên Pleiku.
Vào mùa khô, đất bazan ở Chư Đăng Ya rực lên màu đỏ gạch cua, ấn tượng hơn bất cứ cảnh quan địa chất nào trên thế giới. Ngôi làng dưới chân núi lửa trước đây chỉ có người Jrai sinh sống, hiện đã có thêm nhiều dân tộc khác, đặc biệt là những gia đình làm nông nghiệp cư trú. Công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng mang lại cho ngôi làng sự khang trang, đường làng được bê tông hóa lên tận đường lên núi lửa. Ngay sát chân núi phía tụ lại khu dân cư đông đúc là dấu tích của một ngôi nhà thờ cũ đã bị bỏ hoang vì cũ nát.
Ngôi nhà thờ gần 200 năm cho thấy cộng đồng dân cư trù phú có bản sắc văn hóa, có tôn giáo đã sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Chính vì thế, lễ hội hoa dã quỳ tưởng chừng như chỉ là một hoạt động văn hóa bề nổi dành cho dân du lịch, nhưng trên thực tế đã phục dựng lại chất đời sống và bản sắc văn hóa đã phai nhạt nhiều thập kỉ qua dưới chân núi. Nguyên nhân khách quan cũng là do sự xâm lấn của cuộc du canh du cư, các vùng dân cư có cuộc biến động lớn về đất canh tác dẫn tới mai một về văn hóa rất đáng tiếc.
Cho đến nay, cuộc sống trù phú bên các ngọn núi lửa khổng lồ vẫn là một nét hấp dẫn của Tây Nguyên.
Theo bienphong