Phản ứng trước việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran từ 4h01′ GMT ngày 7/8 (tức 11h01′ theo giờ Việt Nam), Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi chính phủ các nước ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Phát ngôn viên LHQ Farhan Haq ngày 6/8 cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vẫn coi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là một thành tựu ngoại giao và khuyến khích chính phủ các nước ủng hộ thỏa thuận này.Liên quan đến những lo ngại về tác động của việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với vấn đề nhân đạo, ông Haq cho rằng cần phải theo dõi, nhưng nhấn mạnh điều quan trọng là Iran và các bên phải tuân thủ các điều khoản của JCPOA vì đây là cách tốt nhất để giải quyết tình hình. Do đó, LHQ khuyến khích tất cả các nước làm bất cứ điều gì có thể để ủng hộ thỏa thuận này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/8 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là “gây sức ép tối đa về kinh tế” đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, theo đó đề cập đến toàn bộ hoạt động của Tehran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo. Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Trump sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran “bất kỳ lúc nào”.
Trước đó ngày 6/8, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố khối này đã sẵn sàng đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu trước những ảnh hưởng do lệnh cấm vận được Mỹ tái áp đặt chống Iran. Theo đó, “quy chế phong tỏa” của châu Âu sẽ có hiệu lực từ 4h giờ GMT ngày 7/8. Cơ chế này sẽ ngăn các công ty châu Âu tuân theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu. Chính phủ các nước thành viên EU cũng được quyền sử dụng các biện pháp đáp trả “hiệu quả, cân xứng và mang tính răn đe” trong trường hợp doanh nghiệp của họ bị thiệt hại. Quy chế cũng ngăn chặn ảnh hưởng của các hành động pháp lý từ phía Mỹ và giúp các công ty châu Âu có thể khắc phục những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra.
Năm 2015, Iran và nhóm P5+1 đã ký JCPOA. Theo thỏa thuận này, các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân. Tuy nhiên, đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tuyên bố sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Tehran.
Nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt trở lại vào ngày 7/8 là nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran. Đến ngày 5/11, Mỹ dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran.