Theo hãng tin RT, Liên minh Châu Âu (EU) đã thực hiện “Quy chế Ngăn chặn” nhằm bảo vệ các công ty Châu Âu đang hoạt động ở Iran khỏi những tác động của lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt đối với quốc gia này.
Vòng đầu tiên của lệnh trừng phạt mà Mỹ thiết lập trở lại đối với Iran sẽ bắt đầu được áp dụng trong ngày 7/8, và các hình thức cấm vận nghiêm khắc nhất sẽ được thực hiện trong vòng 90 ngày tới. Động thái này diễn ra sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cùng nhiều nước khác đã cùng ký kết với Iran vào năm 2015.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn có tên gọi khác là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc các lệnh cấm vận kinh tế được dỡ bỏ đã được Iran, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu ký kết năm 2015. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đã khiến họ vấp phải sự chỉ trích từ EU và các nước đã ký vào thỏa thuận.
Ủy ban Châu Âu (EC) đã phát biểu rằng mặc cho các biện pháp cấm vận kinh tế mà Mỹ đang và sẽ áp đặt, các công ty Châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Iran dưới sự bảo vệ từ Brussels.
“Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran là một phần quan trọng trong thỏa thuận hạt nhân, nó nhằm mang lại tác động tích cực không chỉ đối với quan hệ thương mại và kinh tế với Iran mà còn cả cuộc sống của người dân Iran. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ các đơn vị kinh tế đang hoạt động hợp pháp với Iran, tuân thủ luật pháp của Châu Âu và nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc số 2231”, tuyên bố của EC cho biết.
“Đây là nguyên nhân Quy chế Ngăn chặn đã được bổ sung của Liên minh Châu Âu được áp dụng từ ngày 7/8 để bảo vệ các công ty EU đang hoạt động đúng luật với Iran khỏi những tác động của các hình thức cấm vận của Hoa Kỳ”.
Trước đó vào tháng 5, EU đã tuyên bố rằng họ sẽ áp dụng Quy chế Ngăn chặn bắt đầu từ tháng 8. Đạo luật này được công bố vào năm 1996, có nội dung yêu cầu các công ty EU không được tuân thủ các hình thức trừng phạt của Mỹ. Nó cho phép các công ty có thể được bồi thường thiệt hại gây ra bởi các lệnh cấm vận như vậy, đồng thời vô hiệu hóa các phán quyết liên quan đến lệnh cấm vận của tòa án tối cao nước ngoài đối với các công ty này.
Theo EC, Châu Âu “cam kết sẽ bảo vệ và củng cố các kênh trao đổi tài chính với Iran cũng như đảm bảo Iran có thể tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt”. Họ cũng nói thêm rằng việc tiếp tục bảo tồn thỏa thuận hạt nhân Iran “là động thái nhằm tôn trọng các hiệp ước quốc tế cũng như bảo vệ an ninh thế giới”.
Tuy nhiên, Quy chế Ngăn chặn của EU chưa bao giờ được áp dụng và sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể có hiệu lực. Đạo luật này cần phải được cập nhật để bao gồm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, sau đó nó cần có sự đồng thuận của tất cả 28 nước thành viên mới có thể được thực thi.
Vấn đề lớn nhất đó là các công ty Châu Âu nhiều khả năng vẫn sẽ tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ và rời khỏi Iran mặc cho sự bảo vệ của EU. Các công ty này phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính quốc tế mà Mỹ là nước đang dẫn đầu. Hiện đã có một vài doanh nghiệp Châu Âu ngừng hợp tác với Iran để tránh trở thành mục tiêu của các hình thức trừng phạt của Washington và đánh mất thị trường Mỹ.
Thế Giới Tinh Tế