Góp ý với du lịch Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức tọa đàm “Bến Tre mở rộng liên kết phát triển du lịch” nhằm tìm thêm nguồn khách và tăng doanh thu. Thiết nghĩ sau vài giờ khảo sát ý kiến như nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khác, ngành du lịch Bến Tre cần có những chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn, đi khảo sát mấy ngày, phân tích thực trạng và đề xuất biện pháp.

Bến Tre là “thủ đô” của dừa và nhiều loại trái cây Việt Nam. Tại sao không tổ chức buffet trái cây định kỳ như Thái Lan từng làm?

Tại tọa đàm, lãnh đạo ngành du lịch tỉnh này cho biết lượng khách đến xứ dừa năm 2017 đạt 837.416 lượt, tăng 30% so với 2016; doanh thu đạt 676,7 tỉ đồng, tăng 26,5%. Nghe thấy có vẻ phấn khởi, nhưng nếu nhìn thêm số liệu của một số tỉnh khác, sẽ thấy có sự bất cập giữa phát triển lượng khách và doanh thu. [Năm 2017, Bình Thuận đón 5,1 triệu lượt khách (có gần 600.000 khách nước ngoài), doanh thu 10.810 tỉ đồng. Tiền Giang đón 1,85 triệu khách (có 719.000 khách quốc tế), doanh thu 786 tỉ đồng. An Giang đón 7,3 triệu khách (có 75.000 khách quốc tế), doanh thu 3.700 tỉ. Đồng Tháp đón 3,3 triệu khách, doanh thu 650 tỉ đồng…]. Trong kinh tế, doanh thu và lợi nhuận mới là những con số cho thấy hiệu quả của hoạt động kinh doanh chứ không phải là số lượt khách. Tôi cho rằng để đạt kết quả tốt hơn, ngành du lịch Bến Tre cần làm ngay hai việc: có sản phẩm mới và tăng thời gian lưu trú của du khách.
Về sản phẩm mới, Bến Tre là “thủ đô” của dừa và nhiều loại trái cây Việt Nam. Tại sao không tổ chức buffet trái cây định kỳ như Thái Lan từng làm? Và thúc đẩy mạnh dịch vụ hái và ăn trái cây sạch tại vườn chứ không phải ngồi giữa vườn cây không trái và ăn quả mua ngoài chợ như hiện nay. Mấy năm trước, tôi đã được uống sinh tố ca cao tươi, rượu khai vị ca cao ở Chợ Lách. Du khách được ăn sầu riêng rụng chứ không phải nhúng thuốc thì… rất tuyệt!
Dừa là “cây của sự sống” với hàng ngàn sản phẩm, từ thực phẩm, mỹ phẩm đến đồ gia dụng, đồ lưu niệm và hóa chất công nghiệp tự nhiên. Vậy tại sao Bến Tre không tổ chức buffet các món ngon về dừa? Du khách không chỉ tham quan, tìm hiểu mà còn được tự tay tham gia làm các sản phẩm thủ công từ dừa và đem về sử dụng hoặc làm kỷ niệm; uống dừa tự chọn tại vườn theo kiểu khách chọn trái nào, chủ hái trái đó – rất thú vị. Đăc biệt, dừa có thể lấy nước uống từ bông như cách lấy nước thốt nốt. Nước bông dừa ngọt thanh, thơm dịu, có giá trị dinh dưỡng và hương vị rất… dừa! Người ta có thể bỏ vào nước bông dừa vài loại rễ cây dược liệu để thành rượu dừa, hoặc nấu cô đặc thành đường dừa không đụng hàng!
Bến Tre cũng là vương quốc cây kiểng. Sản phẩm du lịch kết hợp hướng dẫn khách tìm hiểu, học cách chăm sóc cây kiểng cũng cần được nghiên cứu và thực nghiệm. Cũng nên tận dụng xe lam trước năm 1975 – vẫn còn khá nhiều ở Bến Tre, làm phương tiện vận chuyển nội bộ độc đáo. Cần đoạn tuyệt với các điểm du lịch gắn mác “sinh thái” nhưng thực chất là những điểm “nhậu tới bến” chốn đồng quê.
Liên quan đến việc làm sao để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, dịch vụ homestay ở Bến Tre hiện khá phong phú nhưng lại thiếu liên kết và chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ. Điều mà khách cần khi về Bến Tre (và các tỉnh miền Tây) là không gian vườn cây ăn trái và những sinh hoạt chân quê. Trong khi đó, chỗ ở tại phần lớn homestay hoặc là bốn bức tường có máy lạnh, hoặc như trại lính. Homestay là du lịch trải nghiệm nhưng không nhất thiết để khách ăn, ở y hệt như người dân bản địa, nhất là trong những hoàn cảnh vệ sinh kém. Tiêu chí đầu tiên của homestay là chỗ ở thoải mái: nhà ngủ, nhà vệ sinh thoáng, sạch; chỗ ngủ có đèn đọc sách, ổ cắm điện, màn che…; giá cả thống nhất và niêm yết công khai mọi tiêu chuẩn dịch vụ, không để các công ty lữ hành chèn ép người chủ homestay.
Một điểm nữa là món ăn còn đơn điệu với công thức chung cho bữa ăn sáng là “1 tô + 1 ly”. Trong khi dịch vụ homestay ở miền núi phía Bắc hiện đã có buffet sáng giá chỉ 50.000 đồng/người cho đoàn 15 người trở lên.
Con đường dẫn đến đáp số cho bài toán gia tăng thời gian lưu trú của du khách là phải đưa các hộ dân tham gia chuỗi kinh doanh đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các trường hợp điển hình để cải tạo dịch vụ homestay theo tiêu chuẩn mới và gắn kết với các làng nghề truyền thống. Hoạt động tư vấn phải hỗ trợ tìm nguồn khách và vận hành dài hạn các dự án. Du lịch Bến Tre nói riêng và miền Tây cũng như cả nước nói chung phải thay đổi cách nghĩ để có những hành động đột phá hơn.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn – Dịch vụ & Phát triển du lịch CBT

SHARE