Tài sản của Facebook trên thị trường chứng khoán bị thổi bay khoảng 110 tỷ USD, bao gồm cả 14,5 tỷ USD của nhà sáng lập Mark Zuckerberg trong phiên giao dịch ngày 26/7.
Ngay khi thị trường chứng khoán New York mở cửa sáng 26/7 (đêm 26/7 giờ Việt Nam) giá cổ phiếu của Facebook lập tức giảm 18%. Sự việc diễn ra chỉ một ngày sau thông tin 3 triệu người dùng ở châu Âu từ bỏ Facebook bị phơi lên mặt báo, cùng kết quả kinh doanh không như kỳ vọng của công ty này.
Tài sản của Facebook trên thị trường chứng khoán bị thổi bay khoảng 110 tỷ USD, bao gồm cả 14,5 tỷ USD của nhà sáng lập Mark Zuckerberg.
Đây là cú sụp đổ kỷ lục trong nhiều năm qua, vượt xa mức giảm 91 tỷ USD/ngày của Intel năm 2000.
Tài sản của Mark Zuckerberg bị thổi bay 14,5 tỷ USD chỉ trong ngày 26/7. Ảnh: Getty.
Mark Zuckerberg và Facebook bắt đầu trả giá
Người chịu thiệt hại nhất trong “cơn điên hạ giá” này chính là Mark Zuckerberg, người sáng lập và giám đốc điều hành của Facebook. Mark Zuckerberg sở hữu gần 17% công ty. Tài sản của Zuckerberg đã giảm 14,5 tỷ USD, từ 86,5 tỷ USD xuống còn 72 tỷ USD vào thứ năm.
Từ vị trí giàu thứ ba thế giới, ông chủ của Facebook bị đẩy xuống vị trí thứ sáu.
Báo cáo kinh doanh của Facebook cho thấy tăng trưởng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số và lượng người dùng quý II đều giảm so với dự kiến. Doanh thu quý II của công ty tăng 42% và lợi nhuận tăng 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số 13,2 tỷ USD lợi nhuận đã thấp hơn dự tính trước đó của Phố Wall là 13,4 tỷ USD.
Ở quý II/2018, mạng xã hội này chứng kiến việc sụt giảm số người dùng hàng ngày và hàng tháng ở châu Âu. Cụ thể, số người dùng Facebook hàng ngày ở châu Âu giảm từ 282 triệu trong quý I/2018 xuống còn 279 triệu trong quý II.
Đầu tháng 7, Facebook phải trả khoản tiền 500.000 bảng Anh tiền phạt, tương đương 15,2 tỷ đồng. Công ty này và Cambridge Analytica đã gây ra một trong những vụ bê bối dữ liệu người dùng lớn nhất lịch sử. Cambridge Analytica được Facebook cấp quyền sử dụng thông tin người dùng nhưng lại dùng sai mục đích. Những số liệu này được dùng để nhắm đối tượng các quảng cáo chính trị, tác động mạnh mẽ lên kết quả cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ.
Cú giảm sốc của cổ phiếu Facebook trong phiên giao dịch ngày 26/7.
Cơn khủng hoảng kéo dài
Facebook đã có khoảng thời gian dài vật lộn với những nghi ngờ bị Nga lợi dụng điều khiển cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, và sự cố rò rỉ dữ liệu người dùng Cambridge Analytica. Theo New York Times, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu lợi nhuận cũng như hình ảnh của công ty.
Hình ảnh mạng xã hội này đã bị ố hoen kể từ sau cuộc khủng hoảng bắt đầu vào cuối 2016, với đầy rẫy nghi ngờ về những tin giả bị phát tán trên đó. Sự việc càng trở nên trầm trọng hơn khi xuất hiện liên tiếp các cáo buộc về vai trò của công ty trong bảo mật dữ liệu người dùng, gây ảnh hưởng đến tính dân chủ, cam kết của Facebook trong việc tạo ra không gian web lành mạnh cho người dùng.
Mark Zuckerberg đã phải điều trần trước các nhà lập pháp của Mỹ, xin lỗi liên tục và hứa sẽ hành động một cách mạnh mẽ hơn.
Chính phủ nhiều nước cũng bắt đầu triển khai một loạt động thái thắt chặt quản lý với Facebook, buộc mạng xã hội này tuân thủ tốt hơn các quy định về bảo mật lẫn nghĩa vụ đóng góp thuế với các quốc gia mà nước này hoạt động.
Mark Zuckerberg đã phải điều trần trước các nhà lập pháp của Mỹ sau bê bối lộ trao quyền khai thác dữ liệu hàng chục triệu người dùng toàn cầu cho Cambridge Analytica. Ảnh: AFP.
Ngay trong nội bộ của Facebook, một số lãnh đạo cấp cao cũng rời bỏ công ty sau khủng hoảng về dữ liệu người dùng, bao gồm một giám đốc quản trị, giám đốc an toàn thông tin và phó chủ tịch về truyền thông, tiếp thị và chính sách công.
Tuần này, Colin Stretch, người đứng đầu cuộc điều tra của Facebook về việc Nga can thiệp bầu cử, cũng là đại diện cho hãng làm chứng trước Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái, cho biết sẽ rời công ty vào cuối năm nay.
Tại thị trường Việt Nam, Facebook hồi đầu tháng 7 cũng gặp scandal liên quan đến việc cung cấp dữ liệu sai lệch về chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, Facebook bị phát hiện đưa Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc trong bản đồ chọn vùng quảng cáo và bản đồ livestream.
Facebook đã khắc phục và giải thích rằng đó là “lỗi kỹ thuật”, nhưng không đưa ra lời xin lỗi. Sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận, vào chiều 5/7, Facebook đã phát thông cáo xin lỗi người dùng về bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Người dùng Việt Nam lẫn chuyên gia quốc tế nghi ngờ cái gọi là “lỗi kỹ thuật” của Facebook là một phần của nỗ lực lấy lòng Trung Quốc suốt một thập kỷ qua của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Bloomberg chỉ rõ, trong bối cảnh Facebook phải đối mặt với một loạt thách thức tại các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu khi các nhà làm luật tăng cường kiểm soát, Trung Quốc được kỳ vọng tạo ra đà tăng trưởng mới cho mạng xã hội này.
Chỉ cần một nửa trong tổng số 668 triệu người dùng Internet của Trung Quốc sử dụng Facebook cũng đã giúp khách hàng của mạng xã hội này tăng thêm 20%, đồng nghĩa với thị trường mới giàu có cho ông lớn công nghệ, Quartz nhận định.
Kế hoạch của Facebook phụ thuộc nhiều vào sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc, New York Times viết. Mới đây nhất, Facebook tưởng chừng có hy vọng trở lại Trung Quốc với việc mở một công ty con ở Hàng Châu, nhưng niềm vui của họ kéo dài không lâu khi giấy phép bị rút chỉ sau một ngày.