Say mê với nghiên cứu khoa học (NCKH) trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường, TS Nguyễn Thị Thủy, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã có những NCKH được đánh giá cao với tính ứng dụng vượt trội.
Nữ TS sinh năm 1984 vinh dự là một trong 9 nhà khoa học trẻ được Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học – Công nghệ trao giải thưởng “Quả cầu Vàng 2017”. Theo chị, “dấn thân vào khoa học chính là cách để thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ Việt Nam”.
Tâm huyết với nghiên cứu về môi trường
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2008, kĩ sư trẻ Nguyễn Thị Thủy nhận được học bổng và chị tới Viện Công nghệ châu Á (AIT) ở Thái Lan để tiếp tục học hành, nghiên cứu để lấy bằng thạc sĩ. Sau hai năm học tại AIT, chị đã bảo vệ thành công đề tài thạc sĩ về xử lý nước uống cho những tình huống khẩn cấp.
Giảng viên sinh năm 1984 cho biết, mục tiêu của đề tài là phát triển hệ thống xử lý nước uống cho những tình huống khẩn cấp như thiên tai lũ lụt, thiếu điện. Bởi trên thực tế, ở Việt Nam hay Thái Lan người dân vùng bão, lũ hay xảy ra thường đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt.
Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các giáo sư của AIT, chị đã tiến hành nghiên cứu sử dụng màng lọc để làm sạch nước hồ, ao, sông và tận dụng sức lực con người để vận hành bơm tay, không sử dụng điện, không dùng tới hóa chất. Nước sau khi qua màng lọc đảm bảo độ sạch để dùng tắm, giặt quần áo, phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho người dân trong vùng xảy ra thiên tai.
Với nghiên cứu này, năm 2010, Nguyễn Thị Thủy đã đoạt giải thưởng President’s choice của AIT về NCKH.
Được biết, hiện nữ TS đang tập trung cho đề tài “Ứng dụng công nghệ keo tụ điện hóa trong xử lý nước thải công nghiệp”. Đề tài đưa ra hướng ứng dụng công nghệ mới là keo tụ điện hóa trong xử lý nước thải công nghiệp khó phân hủy sinh học như mực in, cà phê, dệt nhuộm, với nồng độ màu và các chất hữu cơ cao.
Ngoài nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, đề tài còn mở rộng ở quy mô pilot, đặt tại cơ sở sản xuất. Đề tài góp phần nâng cao hiệu quả xử lý, giảm thời gian xử lý và giảm yêu cầu về diện tích xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nữ TS cho hay: “kết quả từ nghiên cứu này là tiền đề cho việc ứng dụng phương pháp keo tụ điện hóa vào việc xử lý các loại nước thải công nghiệp. Nếu áp dụng thành công, công nghệ này có thể giúp giải quyết các vấn đề môi trường do các dòng nước thải này gây ra với chi phí thấp”.
Hiện tại, nữ tiến sĩ có 3 bài tác giả chính, 1 bài đồng tác giả đăng trên tạp chí ISI và 7 bài (2 bài tác giả chính) đăng tại hội thảo quốc tế. Chị là đồng tác giả 1 bài viết trong chương sách xuất bản quốc tế, và 8 bài báo (2 bài tác giả chính) đăng tại hội nghị khoa học Việt Nam.
Cháy hết mình cho đam mê NCKH
Kết thúc chương trình học thạc sĩ tại Thái Lan, Nguyễn Thị Thủy nhận được học bổng toàn phần TS ngành Kỹ thuật môi trường tại ĐH Quốc gia Chiao-Tung, Đài Loan (Trung Quốc). Quá trình học tập và nghiên cứu tại đây, chị đã kết hôn và chồng của chị – hiện là giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng đang học nghiên cứu sinh tại Đài Loan ở thời điểm đó.
Kết hôn và sau đó sinh con tại Đài Loan, hai vợ chồng trẻ thời gian đầu còn có sự hỗ trợ của bà nội, bà ngoại, nhưng sau đó, khi con bắt đầu 7 tháng tuổi, họ phải tự tay chăm sóc con và theo học. Thời điểm đó, khi cả nhà cùng “du học” theo TS Thủy có hơi vất vả một chút nhưng lại tạo nên một động lực lớn để chị nhanh chóng hoàn thành công trình nghiên cứu của mình cho việc tốt nghiệp.
Sau khi nhận bằng TS, Nguyễn Thị Thủy về công tác tại Khoa Công nghệ sinh học và Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Chị tâm sự, hiện gia đình vẫn ở nhà thuê, nhiều khi sinh viên đến trao đổi đề tài thấy khá ngỡ ngàng với cuộc sống của chị, nhưng bản thân chị thấy hài lòng với điều đó bởi trước mắt, tất cả vẫn là tập trung cho công tác giảng dạy và NCKH.
Chị chia sẻ, ban đầu lên lớp cho sinh viên cũng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và những điều cần phải khắc phục nên chị đã đi học các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để có thể truyền tải tốt nhất kiến thức của mình đến với các em. Không chỉ dừng lại ở đó, chị cũng tham gia các hoạt động như hướng dẫn sinh viên NCKH, là thành viên tích cực của CLB học thuật của khoa.
Theo chị, người giảng viên không chỉ làm đề tài mà phải có những hoạt động “truyền lửa” NCKH cho sinh viên.
Theo Giao Duc Thoi Dai