Việc sát thủ Las Vegas Stephen Paddock có trong tay kho vũ khí lớn không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Ở Mỹ, việc mua bán “hàng nóng” diễn ra khá dễ dàng.
Theo các nhà điều tra, Stephen Paddock, 64 tuổi, đã tàng trữ ít nhất 23 vũ khí bao gồm nhiều súng trường tại phòng khách sạn Mandalay Bay nơi y ra tay xả súng xuống đám đông tối 1/10. Sau khi khám nhà Paddock ở Mesquite, bang Nevada, cảnh sát cũng phát hiện nhiều vũ khí khác.
Là một người Mỹ, sát thủ Paddock hay bất cứ người dân nào khác gần như không gặp khó khăn gì khi mua súng. Quyền sỡ hữu súng, dù là để tự vệ, săn bắn hay giải trí, từ lâu đã trở thành một đặc tính của quốc gia này.
Tu chính án thứ 2 được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1789 khẳng định: “Vì một lực lượng dân quân quy củ là cần thiết cho an ninh của một đất nước tự do, quyền của người dân được giữ và mang vũ khí sẽ không thể bị xâm phạm”.
Jason Zielinski tư vấn cho khách hàng chọn mua súng trong cửa hàng Eagle Sports ở Oak Forest, bang Illinois, Mỹ, ngày 16/7. Ảnh: AFP/Getty. |
Cần là có
Hàng trăm cửa hàng bán súng, từ các chuỗi cửa hàng lớn như Walmart đến các cửa hàng gia đình như Ken’s Sporting Goods & Liquor Store ở Crescent, bang Oregon, luôn sẵn sàng phục vụ các khách hàng có nhu cầu.
Ngoài ra, người dân có thể tham dự hàng chục triển lãm súng diễn ra gần như hàng tuần trên khắp toàn quốc hoặc mua súng từ hàng xóm và người thân.
Việc kiểm tra lý lịch chỉ được thực hiện khi mua súng tại cửa hàng. Người mua súng phải điền vào mẫu đơn từ Cục liên bang về Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ (ATF).
Thông tin bắt buộc bao gồm: tên, địa chỉ, nơi sinh, chủng tộc và quốc tịch. Số an sinh xã hội chỉ là “tùy chọn”. Mẫu đơn này cũng đưa ra các câu hỏi về tiền án, tiền sự, việc sử dụng chất kích thích và tiền sử bệnh tâm thần của người mua.
Người Mỹ sở hữu 48% trong tổng số khoảng 650 triệu súng tư trên toàn cầu. Đồ họa: CNN. |
Cửa hàng sau đó sẽ gọi cho Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI), nơi tiến hành kiểm tra lý lịch cá nhân qua hệ thống NICS. Việc xác nhận lại thông tin qua NICS thường chỉ mất vài phút.
Hệ thống sẽ quét các cơ sở dữ liệu liên bang như Trung tâm Thông tin Tội phạm Quốc gia và Chỉ số Nhận dạng Liên tiểu bang để biết thông tin. Nếu người mua đã bị kết án trọng tội hay những tội nhẹ có hình phạt quá 2 năm, hoặc đã bị tòa án tuyên bố là “khiếm khuyết về tinh thần” thì họ sẽ không vượt qua kiểm tra lý lịch.
Theo số liệu trên trang web của FBI được CNN trích dẫn, việc bị từ chối mua súng là rất hiếm và chỉ xảy ra với tỷ lệ khoảng 1%.
Nếu quá trình kiểm tra lý lịch sâu hơn của FBI, thường gồm liên hệ với chính quyền địa phương, không thể hoàn thành trong 3 ngày làm việc thì đại lý được ủy quyền vẫn có thể bán súng khi thông tin chưa được xác minh đầy đủ.
Trong khi đó, khách hàng không phải kiểm tra lý lịch khi mua súng ở các triển lãm và hội chợ diễn ra khá phổ biến khắp nơi, trừ các thành phố như New York, Chicago và Washington D.C, nơi luật sở hữu súng được thắt chặt.
Hàng nghìn khách hàng và hàng trăm nhà buôn tham dự Triển lãm Súng Toàn quốc tại Trung tâm Triển lãm Dulles, Chantilly, bang Virginia, Mỹ, ngày 3/10/2015. Ảnh: Washington Post. |
Tranh cãi không hồi kết
Theo Huffington Post, do các quy định lỏng lẻo cùng sự dễ dãi khi mua súng qua mạng hoặc các triển lãm, hầu hết súng ở Mỹ không được đăng ký.
Chỉ có vài triệu khẩu súng tư hữu ở Mỹ được đăng ký với chính phủ liên bang. Tuy nhiên, số lượng súng thực tế chắc chắn cao hơn nhiều.
Chỉ riêng năm 2015, các công ty súng của Mỹ đã sản xuất hơn 10 triệu súng ngắn. Theo ước tính năm 2012 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, có tới 310 triệu súng được lưu hành trên toàn quốc.
Mỹ sở hữu số lượng súng trên bình quân đầu người cao nhất thế giới. Đồ họa: CNN. |
Tại những bang nơi vũ khí có thể được mua dễ dàng, các điểm mua bán súng cũng mọc lên nhiều hơn. Trên toàn nước Mỹ, cứ 1.000 doanh nghiệp thì có 19 công ty được phép bán súng.
Những vũ khí này được sử dụng cho nhiều mục đích, chủ yếu là săn bắn và phòng thân, trong đó tự vệ được cho là lý do phổ biến nhất để người Mỹ sở hữu súng.
Mặc dù vậy, một số vũ khí sẽ được sử dụng để thực hiện hành vi tội ác. Ngoài các vụ tai nạn súng đạn, hàng nghìn vũ khí được báo cáo bị mất hoặc đánh cắp mỗi năm, rất nhiều trong số này bị phát hiện nằm trong tay bọn tội phạm.
Mối liên hệ giữa luật sở hữu súng đạn và các vụ giết người bằng súng đã tạo ra cuộc tranh luận gay gắt tại Mỹ. Phe cấp tiến tin rằng việc siết chặt luật lệ sẽ giảm tỷ lệ tử vong do súng đạn trong khi phe bảo thủ cho rằng dù có sửa luật cũng không ngăn được hành vi bạo lực của tội phạm.
Các quốc gia có số vụ xả súng cao nhất thế giới. Đồ họa: CNN. |
Theo khảo sát của 24/7 Wall St, Nevada đứng thứ 17 trong 36 tiểu bang ở Mỹ nơi việc mua bán súng diễn ra dễ dàng nhất.
USA Today nhận định những vũ khí mà Stephen Paddock sử dụng trong vụ xả súng điên cuồng ở Las Vegas đêm 1/10 có thể đã được mua hợp pháp ở Nevada.
Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) cho biết người dân Nevada không cần giấy phép để mua hoặc sở hữu một khẩu súng trường, súng ngắn hoặc súng lục. Họ cũng có thể công khai mang súng đến nơi công cộng.
Người Nevada thậm chí có thể mua súng máy hoặc bộ phận giảm thanh miễn là chúng được đăng ký hợp pháp và phù hợp với luật liên bang trong khi điều này bị cấm ở các tiểu bang khác.
Cảnh sát chặn một người đàn ông lái xe xuống Đại lộ Tropicana ở đoạn gần Đại lộ Las Vegas, nơi bị phong tỏa sau vụ xả súng tại lễ hội âm nhạc địa phương, ngày 2/10. Ảnh: Getty. |
Thị trường sôi động sau mỗi vụ xả súng
Kho vũ khí của Paddock và tiếng súng nổ liên hồi trong đoạn video ghi lại cảnh nã đạn vào đám đông đã làm nóng cuộc tranh luận về việc sở hữu súng đạn và những bi kịch gây sốc đủ để khiến chính phủ cân nhắc sửa luật.
Không giống Nevada, một số tiểu bang gồm California và Massachusetts, đã cấm hoàn toàn súng máy trừ trường hợp ngoại lệ như huấn luyện cảnh sát.
Trong các đoạn video về vụ tấn công, người ta có thể nghe thấy hàng loạt viên đạn được bắn ra trong vài giây. Điều này cho thấy Paddock có thể đã sử dụng súng trường tự động trong vụ xả súng ở Las Vegas.
Trước đây, các loại vũ khí như vậy bị cấm sử dụng theo Luật Cấm Vũ khí Sát thương Liên bang năm 1994 nhưng luật này đã hết hiệu lực vào năm 2004.
Một số nghị sĩ đã tìm cách thúc đẩy một lệnh cấm mới đối với vũ khí sát thương bán tự động vào năm 2012 sau khi một tay súng giết chết 20 trẻ em và giáo viên tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut. Nỗ lực này vẫn bị trì hoãn ở Quốc hội.
Mỹ có số vụ tử vong do súng đạn cao hơn gấp 25 lần so với các nước có thu nhập cao khác. Đồ họa: CNN. |
Liên minh Ngăn chặn Bạo lực Súng ống cho biết “không có gì ngạc nhiên” khi những kẻ xả súng hàng loạt ưa dùng loại vũ khí trên.
Năm ngoái, các nhà hoạt động kiểm soát súng ở Nevada đã đạt bước tiến mới trong cuộc bỏ phiếu về việc bắt buộc kiểm tra lý lịch qua đại lý buôn súng đối với tất cả giao dịch súng ở bang, bao gồm giao dịch trực tiếp và qua mạng.
Theo Avery Gardiner, đồng chủ tịch của Chiến dịch Brady về Ngăn chặn Bạo lực Súng ống, nếu việc kiểm tra lý lịch với mỗi giao dịch súng được áp dụng trên toàn nước Mỹ thì số vụ giết người bằng súng sẽ giảm đáng kể.
Giống như các vụ xả súng trước đây, sau vụ xả súng ở Las Vegas, nguy cơ nổ ra cuộc tranh luận mới về việc sở hữu súng đã đẩy cổ phiếu các hãng súng tăng 3% vào ngày 2/10.
Các nhà đầu tư quay sang cổ phiếu của ngành sản xuất súng vì họ tin rằng viễn cảnh về kiểm soát súng có thể làm tăng doanh thu khi người Mỹ tìm cách tự bảo vệ mình trước lúc bất kỳ biện pháp hạn chế nào có hiệu lực.
Nguồn: zing.vn