Mạng lưới giao thông Bình Dương ngày càng được mở rộng và hoàn chỉnh. Trong ảnh là đại lộ Bình Dương.
Tuyến xe buýt nhanh kết nối Bình Dương và TPHCM dự kiến sẽ khởi công vào năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019.
Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, những năm gần đây Bình Dương là một điểm sáng điển hình của nền kinh tế Việt Nam, về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, đô thị hóa và phát triển giao thông vận tải. Chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và một hệ thống giao thông đô thị xanh, thông minh và an toàn.
Theo ông Trần Bá Luận – GĐ Sở GTVT Bình Dương, thời gian qua, Bình Dương đã quan tâm, chú trọng xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Mạng lưới giao thông ngày càng được mở rộng và hoàn chỉnh với các tuyến giao thông chính như: QL 1A, QL 1K, QL 13, ĐT 741,… Mạng lưới đường đô thị ngày càng phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ nhựa hóa đạt 94,7%.
Tuy nhiên, theo ông Luận, cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, nhu cầu giao thông đô thị trong tỉnh cũng tăng lên, đáng chú ý là giao thông cá nhân bằng xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu, trong khi tỷ lệ người tham gia giao thông công cộng còn thấp, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng giao thông.
Vì vậy, những năm gần đây, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng phương tiện xe buýt hiện đại được Bình Dương chú trọng, là tiêu chí quan trọng cần đạt được để tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020, từng bước xây dựng đô thị thông minh gắn với đề án “Thành phố thông minh Bình Dương”.
Theo ông Luận, để người dân dễ dàng tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng trên diện rộng, chất lượng dịch vụ cao, tỉnh Bình Dương đã có văn bản trình Chính phủ về đề xuất xây dựng tuyến xe buýt nhanh kết nối giữa tỉnh Bình Dương và TPHCM. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.800 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng tăng cường các ứng dụng khoa học kỹ thuật như: Triển khai đầu tư các thiết bị theo dõi tình hình giao thông tại các giao lộ có phương tiện lớn trên địa bàn; thành lập trung tâm quản lý, điều tiết giao thông đô thị,…
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận quanh mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương. Các giải pháp và chính sách của chính quyền tỉnh đã thực hiện nhằm ứng phó với TNGT và các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, chiến lược phát triển ATGT cho tỉnh Bình Dương để trở thành thành phố đáng sống, thông minh hiện đại, bắt kịp tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Laodong