Sử dụng khí Helium Plasma đang là phương pháp làm trẻ hóa da được nhiều bác sĩ trên thế giới quan tâm.
Trẻ mãi không già luôn là mong ước của nhiều chị em. Những phương pháp đơn giản như thoa kem chống nắng mỗi ngày, đắp 700 miếng mặt nạ mỗi năm như Phạm Băng Băng, thoa 10 bước kem dưỡng như người Hàn, đắp lotion mask như người Nhật… đều để hướng đến một làn da căng bóng, mịn màng không có dấu hiệu của nếp nhăn tuổi tác.
Tuy nhiên, những phương pháp trên chỉ có tác dụng ngăn ngừa/ làm chậm quá trình lão hóa, hình thành nếp nhăn của da. Còn khi da đã hình thành nếp nhăn thì bạn sẽ cần đến những phương pháp “nặng đô” hơn. Và một trong những phương pháp đang được rất nhiều bác sĩ da liễu và các tín đồ làm đẹp trên thế giới quan tâm đó là phương pháp Cool Helium Plasma (CHP), hay còn gọi là J-Plasma.
Hiệu quả của phương pháp J-Plasma
J-Plasma là gì?
J-Plasma là phương pháp sử dụng năng lượng sóng vô tuyến thấp kết hợp với khí Helium tạo ra hơi nóng hoạt động cả trên bề mặt và dưới biểu bì của da. Từ đó giúp loại bỏ lớp da trên bề mặt, loại bỏ nếp nhăn, kích thích da sản sinh collagen, khiến da trở nên mịn màng căng bóng.
Phương pháp J-Plasma này chỉ mới phổ biến trong vài năm trở lại đây. Nó được xem là một đột phá trong công nghệ năng lượng và đã được FDA công nhận an toàn. Ngoài ra, tạp chí Times cũng từng giới thiệu phương pháp này như một phương pháp làm đẹp tân tiến hàng đầu sau khi thực hiện một cuộc thử nghiệm kéo dài 6 năm trên các tình nguyện viên.
Như đã nói ở trên, khi những nếp nhăn đã hình thành thì những bước chăm sóc ngoài da không ăn thua, bạn sẽ cần tìm đến những phương pháp “nặng đô” mới có thể loại bỏ chúng. Thông thường, người ta chuộng dùng: lăn kim, thay da sinh học (chemical peels), chiếu tia laser. Cơ bản những phương pháp này sẽ giúp loại bỏ lớp da cũ, kích thích lớp da mới đẹp hơn phát triển. Ngoài ra, còn có thể tiêm botox hoặc chất làm đầy filler để cải thiện bề mặt da. Trong đó chiếu laser và tiêm chất làm đầy, botox là 2 phương pháp can thiệp sâu, có tác dụng làm mờ nếp nhăn rõ rệt nhất.
Jennifer Aniston là thường xuyên áp dụng các liệu pháp làm đẹp bằng laser để duy trì vẻ trẻ trung, mịn màng cho da.
* Chiếu tia laser so với J-Plasma
Laser có tác dụng cải thiện mụn, giúp da săn chắc, loại bỏ nếp nhăn, tàn nhan, nám… Laser làm được điều này dựa trên nguyên lý đốt cháy da ở nhiệt độ lên đến 800 độ C, loại bỏ lớp da trên cùng, kích thích lớp da bên dưới sản sinh collagen làm da săn chắc. Quá trình chiếu laser cũng rất đau, da bạn càng nhiều vấn đề (sẹo, nếp nhăn…) thì càng đau. Sau khi chiếu laser, bạn phải tránh ánh nắng tuyệt đối trong 1 tuần, có thể phải mất đến 4 tuần để da lành, và mất đến 3 tháng để da bớt đỏ. Ngoài ra, vì sử dụng nhiệt kích thích da tái tạo, nên đối với người da vàng châu Á, laser có thể làm tăng sắc tốt, gây thâm nám, đỏ ửng kéo dài. Nếu bạn không chăm sóc kĩ sau khi chiếu, da còn có thể trở nên xấu hơn so với trước đó.
Laser căn cứ trên nguyên lý loại bỏ lớp da trên cùng, kích thích lớp da bên dưới sản sinh collagen.
Đối với J-Plasma, khí chiếu trên da chỉ trong khoảng 200 độ C, thấp hơn nhiều so với Laser. Nó không đau như khi bạn chiếu laser và bạn cũng không cần gây mê tổng quát trước khi trị liệu. Tình trạng mẩn đỏ của da khi áp dụng phương pháp này chỉ kéo dài trong khoảng 1- 3 tuần thay vì 4-8 tuần như laser. Ngoài ra, vì sử dụng nhiệt độ thấp, nên da bạn cũng ít bị kích ứng với ánh nắng như sau khi chiếu như phương pháp laser.
* Tiêm Botox hoặc chất làm đầy so với J-Plasma
Đây cũng là 2 phương pháp được ưa chuộng trong việc làm giảm nếp nhăn. Cụ thể nếp nhăn của chúng ta bao gồm nếp nhăn động và nếp nhăn tĩnh. Nếp nhăn động là những nếp nhăn hình thành khi cơ mặt chuyển động. Ví dụ như khi bạn cười hay nhíu mày sẽ xuất hiện nếp nhăn ở đuôi mắt, trên trán…Còn khi gương mặt bất động mà vẫn nhìn thấy nếp nhăn thì đó là nếp nhăn tĩnh.
Botox và Filler có khả năng cải thiện nếp nhăn, nhưng bạn sẽ bị lệ thuộc vào 2 phương pháp này lâu dài nếu muốn duy trì hiệu quả.
Nhược điểm của việc tiêm Botox là nó có thể làm tê liệt các cơ dưới, ngăn ngừa hình thành nếp nhăn động nhưng lại gần như không có tác dụng với các nếp nhăn tĩnh. Còn với chất làm đầy Filler, tuy có thể tác động tới cả nếp nhăn tĩnh nhưng nó lại khiến khuôn mặt bạn dễ bị biến dạng và nếu ngừng dùng thì da bạn sẽ lão hóa nhanh hơn so với bình thường. Ngoài ra, với 2 phương pháp này nếu bị tiêm quá liều thì gương mặt bạn sẽ trở nên cứng đơ, trông rất giả.
Ngược lại, với J-Plasma, các nếp nhăn động và tĩnh có thể được cải thiện ngay sau khi trị liệu. Bạn cũng không bị lệ thuộc phải sử dụng liên tục như 2 phương pháp kia.
Hiệu quả của phương pháp J-Plasma.
Quy trình thực hiện
Điểm cộng của phương pháp J-Plasma là quy trình đơn giản, chỉ mất khoảng 30 phút mỗi lần. Tùy theo tình trạng da của bạn, bác sĩ sẽ trị liệu trong 2-3 lần.
Bước 1: Làm sạch. Bác sĩ có thể tiêm chất gây mê vào 1 số điểm nhạy cảm như cánh mũi, dưới cằm.
Bước 2: Trị liệu. Sử dụng máy chuyên dụng để chiếu tia Helium plasma. Tia được chiếu từ từ, theo từng vùng trên khuôn mặt, theo thứ tự: trán, má, cằm, mắt, mũi, cổ. Trong lúc chiếu, bác sĩ có thể tiêm thêm chất gây tê vào đuôi mắt, mũi.
Bước 3: Làm dịu. Sau khi trị liệu, bác sĩ sẽ thoa kem dưỡng ẩm, aquaphor hoặc mặt nạ silicon để làm dịu da. Làn da sẽ ửng đỏ và kích ứng trong khoảng 1-3 tuần
Hiện tại, phương pháp J-Plasma này mới có ở một số thẩm mỹ viện chuyên biệt tại Mỹ. Ngoài việc áp dụng xóa nếp nhăn và săn chắc da mặt, phương pháp này còn có thể sử dụng cho phần da cổ bị trùng hay phần da bụng bị dạn.