Bệnh nhân trẻ bất ngờ ngưng thở ngay khi đang cấp cứu
Thạc sĩ Thái Lộ, Bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Trung y Sơn Tây, Trung Quốc vừa chia sẻ câu chuyện về một nam giới trẻ tuổi chưa chạm ngưỡng trung niên (giấu tên) đã bất ngờ đột tử trong sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến.
Sự ra đi của người đàn ông trẻ khiến các thành viên trong gia đình vô cùng choáng váng vì trước đó, anh này không có bất kỳ một biểu hiện gì cho thấy cơ thể đang ốm bệnh.
Bác sĩ Thái Lộ kể, chiều hôm đó tại phòng cấp cứu, xe cứu thương chở người bệnh đến và lập tức chuyển vào cấp cứu nhanh, bệnh nhân nằm cuộn tròn trên giường. Các bác sĩ trao đổi gấp với nhau: Tình hình bệnh nhân cụ thể ra sao? Bác sĩ trên xe cứu thương nói rằng, bệnh nhân hơi đau ngực, khó chịu vùng ngực.
Gia đình người bệnh nói rằng anh ấy vừa kiểm tra sức khỏe xong và tim không có vấn đề gì.
Sau đó các bác sĩ tiến hành kiểm tra điện tâm đồ, và thở máy ô xy, nhưng khi điện tâm đồ còn chưa kịp làm xong thì bệnh nhân bỗng nhiên ngưng thở. Bác sĩ tiếp tục dùng các biện pháp trợ thở để cấp cứu nhưng cuối cùng vẫn không cứu sống được bệnh nhân này.
Các thành viên trong nhà bệnh nhân đã khóc thảm thiết và không chấp nhận kết quả ra đi đột ngột đó. Tiếp tục hỏi chuyện người bệnh thông qua bác sĩ đi cùng xe cứu thương, được biết bệnh nhân này vừa khám sức khỏe tổng thể theo lịch định kỳ tại cơ quan.
Ngoài việc hơi thừa cân một chút, còn lại tình trạng sức khỏe chung tương đối ổn định, tim cũng không có dấu hiệu bất thường. Chỉ có bình thường ăn uống nghỉ ngơi không được điều độ, thời gian gần đây liên tục thức khuya.
Tại sao khám không có bệnh mà vẫn bị đột tử?
Theo chia sẻ của bác sĩ Lộ, hầu hết các bệnh nhân chết đột ngột đều xuất phát từ nguyên nhân nhồi máu cơ tim cấp tính do tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra sức khỏe thì đều đang ở trong trạng thái bình thường và rất khó để kiểm tra thấy căn bệnh này.
Đa số kiểm tra sức khỏe định kỳ đều thực hiện ở mức cơ bản như đo điện tâm đồ. Mà khi bệnh tim cấp tính chưa phát sinh, thì điện tâm đồ sẽ khó hoặc không phát hiện ra bệnh. Đó cũng chính là lý do nam bệnh nhân này vừa khám sức khỏe bình thường xong vẫn rơi vào nguy cơ đột tử.
Vậy làm sao để kiểm tra xác định được bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính sẽ xảy ra?
Hiện nay, bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính có thể được chẩn đoán bằng chụp CT mạch vành, kiểm tra tim, đánh giá các tiêu chí tổn thương tim hoặc các chỉ định kiểm tra chuyên môn khác.
Tuy nhiên hình thức khám này thường có chi phí cao và có một số người phải dùng tia phóng xạ nên có thể ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe. Vì vậy những bệnh nhân đặc biệt mới được lệnh dùng đến các phương pháp này.
Tỷ lệ người bị tử vong do nhồi máu cơ tim cấp tính rất cao, làm sao để phòng tránh?
Theo bác sĩ Lộ, bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính thường diễn ra với triệu chứng đau tức ngực, đặc biệt là ở nhóm những người có nguy cơ cao như nam giới trên 40 tuổi, nữ giới trên 50 tuổi, người béo, ăn uống nhiều, sinh hoạt vô độ, hút thuốc, uống rượu, áp lực cuộc sống quá nhiều.
Như trường hợp quý ông đột tử ở trên được biết là có thói quen ăn uống ngủ nghỉ không điều độ. Những người này luôn thuộc nhóm có nguy cơ cao dễ bị đột tử vì không kiểm soát được sức khỏe.
Những nhóm người nguy cơ cao được nhắc ở trên, để phòng bệnh, tốt nhất cần chú ý đến việc duy trì thói quen sinh hoạt nghỉ ngơi điều độ, chế độ ăn uống ít muối, ít dầu mỡ, vận động thể dục thể thao nhiều hơn, đảm bảo luôn ngủ đủ giấc, hạn chế rượu bia, thuốc lá, giữ cho tinh thần vui vẻ, thoải mái.
Bác sĩ Lộ nhấn mạnh, việc phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính hiện không có bất kỳ một “bí quyết kỳ diệu” nào. Chỉ cần luôn chú ý đến tình trạng sức khỏe.
Để ý kỹ mỗi lần tập thể dục xong có cảm giác đau tức ngực hay không, khi có bất kỳ trạng thái bất thường nào đều cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để phòng tránh tối đa những nguy cơ thông qua các dấu hiệu cảnh báo.
Nếu bỏ qua các dấu hiệu, chúng ta có thể rơi vào vòng xoáy của những nguy cơ. Kể cả người trẻ tuổi, cũng cần đặc biệt chú ý để can thiệp kịp thời.
*Theo Health/TT
Theo Vân Hồng
Trí thức trẻ