Khi bạn khát giữa sa mạc, bạn chỉ cần có nước uống. Nhưng khi đã được uống rồi, bạn lại càng cảm thấy khát hơn nữa. Trên thực tế, khao khát những điều từ người khác sẽ khiến bạn nhỏ bé hơn.
Có hai gia đình nọ là hàng xóm của nhau, một nhà giàu có điều kiện kinh tế rất khá giả, nhà còn lại tương đối bần hàn, thuộc hàng nghèo nhất trong làng. Tuy vậy, hai nhà vẫn khá thân thiết và giữ mối quan hệ tốt với nhau.
Mùa đông năm đó, trời không thuận ý người nên thiên tai triền miên, mùa vụ mất trắng. Không có thu hoạch, lại không có của tích lũy nên gia đình nhà nghèo lâm vào cảnh khốn đốn cùng cực, không có gạo để ăn.
Khi đó, nhà hàng xóm giàu có đã nghĩ cách giúp đỡ những người nghèo trong làng bằng cách mua dự trữ khá nhiều lương thực. Họ phân phát cho mỗi gia đình nghèo trong vùng một bát gạo để cứu đói, trong đó tất nhiên có cả gia đình nhà hàng xóm nghèo.
Gia đình nhà nghèo khi ấy vô cùng cảm kích và biết ơn. Trong mắt họ khi đó, gia đình giàu đúng là ân nhân cứu mạng. Và họ nghĩ rằng đợi qua đợt khổ nạn này, nhất định sẽ tìm cách cảm ơn người đã giúp mình.
Sang năm sau đó, khi cơn bĩ cực đã qua đi, thời tiết trở lại thuận lợi và các gia đình trong làng bắt đầu chuẩn bị thóc giống để gieo trồng. Hai gia đình ngồi nói chuyện với nhau, trong lúc nói chuyện đã đề cập đến chuyện hạt giống để trồng vào vụ tới.
Người giàu không nghĩ gì liền hào phóng tặng cho gia đình nghèo một đấu thóc để làm giống cho năm tới. Gia đình nhà nghèo tỏ ra vô cùng biết ơn rồi mang đấu thóc về, tự hứa khi nào gieo cấy thành công sẽ trả ơn người giàu.
Thế nhưng, một hôm có người anh em đến gia đình nhà nghèo chơi. Sau khi nghe được câu chuyện đấu thóc, anh ta liền nói:
“Có một đấu thóc thì làm được cái gì? Chừng này chỉ đủ ăn, chứ làm sao đủ để chúng ta làm giống cho vụ tới. Gia đình nhà đó thật quá đáng và keo kiệt. Có tiền đi phân phát lương thực cho mọi người trong làng mà chúng ta là hàng xóm thân thiết lại chỉ cho có đấu thóc thế này.”
Câu chuyện này truyền đến tai nhà giàu và họ rất giận, nghĩ bụng, mình đã cho họ không biết bao lương thực, giờ lại cho cả đấu thóc để gieo hạt làm giống. Họ không những không cảm ơn mà còn ghét mình như kẻ thù, thật là quá đáng!
Kể từ đó, quan hệ vốn dĩ tốt đẹp giữa hai nhà hàng xóm trở nên căng thẳng, hai nhà coi nhau chẳng khác nào kẻ thù.
Có thể nói, trong cuộc sống nhiều người có thói quen của người nghèo. Chúng ta luôn nghĩ rằng cuộc sống và những người xung quanh nợ mình và phải có trách nhiệm với mình như một điều tất yếu. Khi bạn khát giữa sa mạc, bạn chỉ cần có nước uống. Nhưng khi đã được uống rồi, bạn lại càng cảm thấy khát hơn nữa. Trên thực tế, khao khát những điều từ người khác sẽ khiến bạn nhỏ bé hơn.
Lại có một câu chuyện tương tự như thế này.
Có một gã ăn mày rách rưới đến gõ cửa nhà anh Vương xin được bố thí, giúp đỡ. Vương thấy cảnh ngộ đáng thương liền đưa cho gã 10 đồng.
Đến ngày thứ 2, gã lại tiếp tục mò đến nhà anh Vương và nhận được thêm 10 đồng nữa. Việc này diễn ra trong suốt 2 năm. Một hôm, cũng như thường lệ, gã ăn mày đáng thương gõ cửa nhưng anh Vương chỉ đưa cho gã 5 đồng.
“Sao lần này anh chỉ cho tôi có 5 đồng?”- gã ăn xin hỏi. Anh Vương liền thủng thỉnh đáp: “Vì tôi mới lấy vợ. Tôi còn phải giữ tiền để nuôi vợ con nữa”
“Chết tiệt, anh dám lấy tiền của tôi đi nuôi gái à?” – gã ăn xin đáp và bực tức bỏ đi.
Bài học rút ra:
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Một bát gạo tạo nên ân nhân, một đấu thóc tạo nên kẻ thù”.
Câu nói này có nghĩa rằng: Khi con người lâm vào hoàn cảnh khó khăn thực sự và nhận được sự giúp đỡ dù rất nhỏ, nó cũng khiến người hoạn nạn vô cùng cảm kích. Thế nhưng khi họ đã có thể tự lo cho mình, bạn vẫn cứ tiếp tục giúp đỡ và đến một ngày nào đó, vì một nguyên nhân nào đó mà bạn không thể giúp họ được nữa, đối phương sẽ hận bạn.
Ở đời, khi việc cho đi trở thành một thói quen, nó cũng vô tình trở thành một loại trách nhiệm không thể thoái thác. Và những người nhận được sự cho đi quá thường xuyên sẽ trở thành phụ thuộc, họ coi đó như một lẽ dĩ nhiên mà nếu bị thoái thác, họ sẽ trở nên thù ghét chính ân nhân của mình.
Trên thực tế, cuộc sống không ai nợ bạn điều gì cả, thành hay bại là do chính bạn mà thôi. Vì thế, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác khi bạn không thể thành công hay gặp bất hạnh, nó sẽ không làm bạn tiến bộ hơn được đâu.
Dục vọng giống như nước biển, càng uống sẽ càng khát. Dục vọng cũng giống như một cơn ngứa trong linh hồn mỗi con người. Nỗi đau có thể nhìn thấy ngay nhưng ngứa thì càng gãi lại càng muốn gãi thêm.
Theo trithuctre