Mọi chuyện như thể chiếc điện thoại đang lừa bạn vậy!
Đã bao giờ rõ ràng bạn cảm thấy chiếc điện thoại mình đang để trong túi quần rung lên nhưng khi lấy máy ra thì lại chẳng có tin nhắn, cuộc gọi hay bất kì thông báo nào chưa? Câu trả lời nhiều khả năng là có bởi các nhà khoa học đã chứng minh khoảng 80% trong số chúng ta từng trải qua cảm giác này. Thậm chí 30% trong số chúng ta còn nghe thấy những tiếng chuông điện thoại thực tế… không hề tồn tại. Liệu đây có phải là bằng chứng cho thấy chúng ta đang bị ám ảnh bởi những chiếc điện thoại quá mức cần thiết không? Bài viết này sẽ phần nào mang đến cho bạn câu trả lời.
Có rất nhiều cách giải thích cho hiện tượng điện thoại tưởng rung và không rung, hay còn được biết đến với khái niệm “điện thoại rung bóng ma”.
Alex Blaszczynski, Chủ tịch Trường Tâm lý học của Đại học Sydney từng nhận định cảm giác rung như nói trên có thể được khởi phát bởi một hoạt động liên quan đến điện từ. “Tôi cho rằng cảm giác rung liên quan đến một tín hiệu điện nào đó, chạm vào các dây thần kinh xung quanh và mang đến cho người dùng cảm giác rung,” ông chia sẻ với Sydney Morning Herald. Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng nhấn mạnh rằng mình chưa thực hiện một nghiên cứu cụ thể nào liên quan đến các cơ chế rung của điện thoại. Nếu ý kiến của Alex là đúng, điều này đồng nghĩa với việc cảm giác nói trên không phải là một “bóng ma” mà là một cảm nhận thực – một kích thích vật lý tương tự như lúc bạn để điện thoại gần một chiếc loa và bạn sẽ nghe thấy những tiếng động kì lạ khi điện thoại thu nhận sóng, gây nhiễu điện từ.
Larry Rosen, một giáo sư tâm lý tại trường Đại học Bang California lại chia sẻ một ý tưởng khác trong cuốn sách của mình mang ten iDisorder. Trong đó, ông cho rằng người ta luôn luôn mong đợi một tương tác công nghệ nào đó, đặc biệt là trường hợp với smartphone, tới mức chúng ta có thể “phân tích” nhầm một kích thích không liên quan nào đó, ví dụ như quần chạm vào đùi hay tiếng ghế kéo trên sàn nhà, thành cảm giác hoặc tiếng điện thoại rung.
Không có nhiều nghiên cứu khoa học chính thống về hiện tượng nói trên được công bố. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu hiếm hoi được Michael Rothberg, một nhân sự đang làm việc tại Trung tâm Y tế Baystate, nhận định cảm giác rung nhưng thực ra không phải có thể đến từ nguyên nhân não bộ phán đoán, xử lý sai các tín hiệu cảm nhận.
“Để giải quyết lượng thông tin đầu vào về cảm nhận rất lớn, não bộ áp dụng các cơ chế bộ lọc dựa vào những gì nó muốn thấy, đây là một cơ chế gọi là tìm kiếm theo hướng dẫn của giải thuyết.” Trong trường hợp của hiện tượng điện thoại rung “bóng ma”, não bộ đã phân tích các thông tin đầu vào cảm nhận theo giả thuyết kì vọng là cảm giác rung này chắc chắn đến từ điện thoại. Nói một cách khác, dường như điện thoại đã được người dùng quá chú ý và người dùng cũng kì vọng điện thoại rung đến mức họ nhiều trải nghiệm một cảm giác… rung mà không rung.
Lần tới khi cảm thấy điện thoại rung nhưng lại chẳng thấy có cuộc gọi hay tin nhắn nào, có lẽ bạn cũng không còn cần phải thắc mắc về lý do đằng sao hiện tượng này nữa.
Theo Trí Thức Trẻ