Những triệu chứng từ miệng như sâu răng hay chảy máu nướu răng đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề cơ bản liên quan đến sức khỏe.
Có hàng trăm căn bệnh có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, gây cản trở các hoạt động hàng ngày của chúng ta ở các mức độ khác nhau. Hầu hết các căn bệnh đều gây ra đau đớn, khó chịu và đều khiến người bệnh nhìn thấy, cảm thấy một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những dấu hiệu cảnh báo một số triệu chứng của rối loạn “chết người” mà chúng ta không phát hiện ra, đến khi biết được thì bệnh đã chuyển biến xấu. Những triệu chứng ấy có thể xuất hiện đầu tiên ở miệng mà chúng ta không hay biết.
Hãy lưu ý những dấu hiệu này để phòng tránh việc mắc phải các căn bệnh nguy hiểm mà không biết.
Đột nhiên có nhiều răng sâu: Bệnh tiểu đường
Nếu bạn ít khi uống các loại nước ngọt có gas hoặc không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mới nhưng đột nhiên lại có nhiều răng sâu, điều đó có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang gặp rắc rối trong việc xử lý glucose.
Khi tình trạng này xảy ra, đường có thể tích tụ trong nước bọt và thúc đẩy sự phát riển của các vi khuẩn gây sâu răng trong miệng. Bạn cũng có thể cảm thấy đau răng, đặc biệt là sau khi ăn đồ ngọt, nóng, hoặc lạnh. Theo các chuyên gia, với những trường hợp bị mắc đái tháo đường, sâu răng, bệnh nướu răng, nấm miệng, khô miệng… là các tác dụng phụ của bệnh.
Đột nhiên lại có nhiều răng sâu, điều đó có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang gặp rắc rối trong việc xử lý glucose. (Ảnh minh họa)
Răng của bạn bị mòn, nhạy cảm hơn: Bị trào ngược dạ dày (GERD)
Ợ nóng có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng nếu bạn đang gặp phải tình trạng này nhiều hơn 2 lần 1 tuần trong một vài tuần liên tiếp, bạn có thể bị trào ngược dạ dày, một tình trạng khi acid dạ dày chảy ngược vào thực quản.
Trong khi một số người có thể trải nghiệm cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng do ợ nóng, nhưng cũng có những người lại không gặp bất kỳ triệu chứng nào cả.
Khi acid dạ dày trào lên miệng, nó có thể làm mòn men răng, khiến cho răng trở nên nhạy cảm hơn, răng thường bị mòn ở mặt trong. Một số người có thể không nhận thấy điều này vì nó xảy ra chậm, nhưng nếu bạn kiểm tra răng định kỳ, các bác sĩ sẽ nhận thấy điều bất thường đó.
Nếu bạn được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày, bạn có thể được điều trị bằng thuốc và cần phải thay đổi lối sinh hoạt, tránh một số loại thực phẩm nhất định và ăn nhiều bữa hơn trong ngày.
Nướu bị chảy máu khi đánh răng: Bị viêm nướu
Trừ khi bạn chỉ mới bắt đầu dùng chỉ nha khoa hoặc đánh răng quá mạnh, nếu không việc chảy máu ở nướu khi đánh răng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm nướu do mảng bám tích tụ dọc theo đường viền nướu. Nếu không được điều trị, viêm nướu có thể dẫn đến tình trạng viêm nha chu nghiêm trọng hơn, khi đó nướu bị rời ra khỏi răng và hình thành các hố viêm nhiễm.
Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy những người mắc bệnh viêm nha chu cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn. Vì thế, nếu nhận thấy mình có thể bị viêm nướu, bạn hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt.
Nướu bị chảy máu khi đánh răng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm nướu (Ảnh minh họa)
Trên lưỡi xuất hiện những đốm trắng: Bị nấm miệng
Các mảng bám hay đốm trắng trên lưỡi có thể là một triệu chứng của nấm miệng, tình trạng nhiễm trùng gây ra bởi sự phát triển quá mức của nấm Candida. Tình trạng này không quá phổ biến, nhưng những người có bệnh tiểu đường, khô miệng hoặc gặp các vấn đề với hệ thống miễn dịch sẽ có nhiều nguy cơ bị nấm miệng.
Các dấu hiệu khác của sự nhiễm trùng là lưỡi tấy đỏ, khó nuốt, hoặc xuất hiện các vết nứt ở khóe miệng. Nếu bạn bị nấm miệng, khi đó bác sỹ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng nấm cho bạn.
Theo Eva